1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khốn đốn với độc quyền dịch vụ sân bay

(Dân trí) - Việc Vinapco đơn phương tăng giá, ngừng cung cấp dầu khiến Pacific Airlines và hàng nghìn hành khách phải “khóc dở mếu dở” một lần nữa đánh động dư luận về vấn đề độc quyền các dịch vụ phục vụ mặt đất.

Bài ca tăng giá

Sau 3 năm khởi công xây dựng (từ tháng 8/2004), nhà ga quốc tế mới của sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa vào khai thác - với đầy đủ tầm vóc một nhà ga mới hiện đại, những dịch vụ và tiện ích tốt nhất theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhưng ít lâu sau đó, Cụm cảng không miền Nam tiến hành việc nâng mức thu phí mỗi hành khách sử dụng phòng khách VIP từ 15 lên 32 USD (tăng 113%).

Quyết định này đã nhận được sự phản ứng từ các hãng hàng không nội địa và quốc tế có đường bay đến đây. Chủ tịch Hiệp hội các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam (VBAR) đã có văn bản kiến nghị quyết định này và cho rằng mức giá mới quy định là quá cao so với cả khu vực.

Trên thực tế, việc tự ý tăng giá đang không chỉ diễn ra tại Cụm cảng hàng không này. Theo lãnh đạo một hãng hàng không Việt Nam, vừa qua các Cụm cảng hàng không miền Bắc và miền Trung cũng đều có Quyết định ban hành khung giá dịch vụ mới.

Cụ thể, dịch vụ vận tải trong sân đỗ tại Nội Bài tăng từ 450.000 đồng/chuyến lên tới 4,8 triệu đồng/chuyến đối với máy bay B737 và A320. Theo giá mới, chỉ tính riêng dịch vụ vận tải trong sân đỗ chi phí vận chuyển một người trong vài trăm mét đã là 30.000 đồng, tức là cao hơn giá một hành khách đi 40km từ Nội Bài về Hà Nội (25.000 đồng).

Và mới đây, theo quyết định 159/QĐ-CCMT của Cụm cảng hàng không miền Trung thì các dịch vụ lẻ phục vụ mặt đất và giá phục vụ trọn gói tại các sân bay miền Trung cũng đội giá với mức tăng chóng mặt.

Ví dụ, giá dịch vụ xe đầu kéo hành lý từ 200.000 đồng/giờ lên 800.000 đồng/giờ, giá dịch vụ tại quầy làn thủ tục hàng không từ 980.000 đồng/chuyến lên 5,8 triệu đồng/chuyến (tăng 5,92 lần), dịch vụ vận chuyển hành khách trong sân đỗ tăng từ 450.000 đồng/chuyến lên tới 4,3 triệu đồng/chuyến (9,5 lần)…

Các hãng hàng không khốn đốn

Các dịch vụ phục vụ mặt đất tại các sân bay trong nước hiện nay là dịch vụ độc quyền, các hãng hàng không không thể có sự lựa chọn nhà cung ứng. Chịu tác động lớn nhất trong đợt tăng giá này là hãng hàng không Pacific Airlines (PA) vì trong thời gian vừa qua, hãng này đã đầu tư rất nhiều vào các đường bay miền Trung và đang có kế hoạch tiếp tục phát triển các đường bay này.

Theo ông Lương Hoài Nam - TGĐ hãng bay này, PA không loại trừ khả năng phải huỷ kế hoạch mở đường bay đến Đà Lạt và Buôn Mê Thuột vào tháng 8 tới đây do sức ép tăng giá đè nặng.

Trong báo cáo mới đây gửi Cục Hàng không, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) và các cụm cảng, lãnh đạo hãng hàng không PA cho biết: kinh doanh vận tải hàng không của hãng này đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao.

Với việc tăng giá phục vụ mặt đất tại các sân bay Miền Trung, các đường bay tới Đà Nẵng, Huế, Cam Ranh của PA sẽ bị lỗ thêm rất nặng và vượt khỏi khả năng chịu đựng tài chính của hãng này.

Trong khi đó, một quan chức của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng bày tỏ quan điểm: Quyết định tự ý tăng giá của các Cụm cảng hàng không không thể thay thế và huỷ bỏ hiệu lực của Quyết định về biểu giá đang áp dụng hiện nay do Cục hàng không ban hành.

Mặt khác, mức giá hiện áp dụng đã được ghi nhận trong các hợp đồng kinh tế, dựa trên kết quả đàm phán, thoả thuận giữa các bên tham gia hợp đồng đã ký và có hiệu lực. Và bất kỳ sự thay đổi nào, các bên tham gia hợp đồng đàm phán thoả thuận lại, không thể có tình trạng một bên tham gia hợp đồng đơn phương thay đổi và áp đặt giá.

Vinapcco và PA có thể “tái” đàm phán

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) cho biết hãng này đã chấp thuận đàm phán với Pacific Airlines (PA) về giá cung cấp nhiên liệu mới. Phiên đàm phán cấp cao nhất giữa hai bên có thể sẽ bắt đầu vào ngày 16/4 tới.

Cũng cần phải nhắc lại, quan điểm trước đó của lãnh đạo hãng hàng không PA là Bộ Tài chính sẽ đứng ra làm trung gian trong quá trình thương thảo, giải quyết “sự cố” giữa hai doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 2/4, lãnh đạo của Vinapco cho rằng: mọi chuyện đã rõ ràng và không có gì phải đàm phán thêm.

Theo ông Trần Hữu Phúc, PA vừa có công văn gửi cho Vinapco khẳng định việc đã nhận được công văn về việc thay đổi mức nạp phí nhiên liệu và cả bảng phân tích chi tiết để có mức phí mới. Tuy nhiên phía PA giải thích do chưa có đủ thời gian để đối chiếu cụ thể xem mức giá ấy có phù hợp hay không. Hãng hàng không này đề nghị tiến hành đàm phán ở cấp cao nhất giữa 2 công ty về vấn đề này.

Cũng liên quan đến vấn đề này, một quan chức Cục quản lý cạnh tranh cho biết: ngày 9/4, Vinapco đã cung cấp toàn bộ các văn bản theo yêu cầu của Cục. Cụ thể, đây là các hợp đồng cung cấp nhiên liệu giữa Vinapco và PA, giữa Vinapco và Vietnam Airlines (VNA).

Phúc Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm