Khởi nghiệp lĩnh vực thẩm mỹ - hào quang thì ít khó nhọc thì nhiều.
Gặp gỡ Nguyễn Thơ Thơ vào những ngày chớm hè, chân đi dép lê, quần jean áo phông xắn cao giữa công trình đang thi công ngổn ngang, cô cử nhân Y tế công cộng không có dáng vẻ gì của một người nhàn nhã ngày ngày hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, khi mà cô sở hữu cả một viện thẩm mỹ trong tay. Thơ Thơ đang trong những ngày cuối cùng của kế hoạch thay đổi địa điểm, chuyển hướng dịch vụ của mình.
Áp lực thế hệ doanh nhân thứ hai
Người ta nói nhiều về thế hệ người Việt thứ hai ở Đức, ở Mỹ gặt hái nhiều thành công vì vừa thừa hưởng được những đức tính tốt như thông minh, cần cù, chịu khó, ham học của người Việt vừa được hưởng nền giáo dục hiện đại, khuyến khích phát triển cá nhân của các nước tiên tiến. Nhưng mấy ai để ý ở trong nước cũng có một thế hệ doanh nhân thứ hai, sau quá trình tu nghiệp dù trong hay ngoài nước thì cũng đã trưởng thành và thừa hưởng việc quản trị các sở nghiệp do cha mẹ để lại. Thơ Thơ là một trong những nữ doanh nhân thuộc thế hệ thứ hai. Cô gái sinh năm 1990 đang vận hành một viện thẩm mỹ vốn đã được đầu tư lớn, bài bản bởi mẹ chồng của cô- người muốn xây dựng một sự nghiệp cho cô con dâu đam mê lĩnh vực làm đẹp.
Nếu như thế hệ cha mẹ sống ở thời kỳ đất nước mới mở cửa, mọi cơ hội kinh doanh bày ra trước mắt, vốn chỉ cần dám nghĩ dám làm là thị trường mỉm cười với họ. Thì thế hệ doanh nhân thứ hai này chịu nhiều áp lực về việc phải vận hành doanh nghiệp cũ theo hướng mới, làm sao đầu tư kinh doanh bền vững, cạnh tranh công bằng với các đối thủ tới từ khắp nơi trên thế giới mà vẫn phải chứng minh năng lực bằng cách vượt qua được cái bóng tài chính vững chắc của cha mẹ thời xưa.
Áp lực từ ngành nghề lắm tai tiếng & cạnh tranh không lành mạnh
Thơ Thơ tâm sự, viện thẩm mỹ nơi cô đang xây dựng là một cơ sở thẩm mỹ không phẫu thuật, nơi chủ yếu sử dụng máy móc công nghệ cao được nhập khẩu chính hãng từ các nước có nền công nghệ thẩm mỹ phát triển như Mỹ, Anh, Hàn Quốc. Những công nghệ như IPL, Laser, sóng cao tần, sóng siêu âm hội tụ được sử dụng để điều trị và cải thiện những vấn đề liên quan đến sắc đẹp như làm trẻ hoá da, nâng cơ, thanh lọc cơ thể, loại bỏ mỡ thừa, điều trị da mụn, nám, sẹo rỗ... Các dịch vụ đều rất an toàn, nhưng không mấy người trong thị trường biết và phân biệt được các loại hình viện thẩm mỹ. Nghĩ đến viện thẩm mỹ xã hội luôn bị ám ảnh bởi những câu chuyện đáng sợ như phẫu thuật thất bại, biến chứng, tai biến, hỏng da ...
Cũng có nhiều cơ sở thẩm mỹ kinh doanh quá chú trọng đến lợi nhuận, nên sử dụng máy móc và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thậm chí bác sĩ cũng không phải bác sĩ đúng chuyên ngành , rất nguy hại nhưng làm đẹp mà, xã hội có quá nhiều nhu cầu, mà nhu cầu cấp thiết, ai cũng muốn đẹp lên nhanh chóng mà không tốn kém nhiều, nên có cung ắt có cầu thôi . Con sâu làm rầu nồi canh, những cơ sở như vậy làm cho ngành này thêm tai tiếng. Kinh doanh nghiêm túc trong lĩnh vực này thua thiệt lắm, phải dành rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để chứng minh sự uy tín của cơ sở mình. Khách đến với mình cũng vì tin tưởng mình nữa.
Quan điểm chỉ có ngôi sao, người đẹp, nhà giàu mới đi thẩm mỹ
“Ở các quốc gia phát triển, họ đến các trung tâm thẩm mỹ thường xuyên và định kì như đi khám sức khoẻ hay đi mua sắm vậy, bởi vì họ được giáo dục trong một nền giáo dục mà yếu tố con người luôn phải đặt lên hàng đầu. Ở mình, người ta nói nhiều chuyện phẫu thuật quá, cũng hay dùng hình ảnh xa hoa giàu có nên mọi người lầm tưởng. Thực ra thẩm mỹ bản chất là các dịch vụ chăm sóc để cho cơ thể khoẻ khoắn và tốt lên từ bên trong đến bên ngoài, nên việc định kỳ đến các viện thẩm mỹ để detox cơ thể, việc đến tuổi trưởng thành đến viện thẩm mỹ để xoá bỏ lông, hay đến chăm sóc da tổn thương do mụn... không phải là việc khó khăn gì cần tài chính quá lớn”. Thơ Thơ chia sẻ.
Việc lầm tưởng giàu mới đi thẩm mỹ cũng giống như việc nghĩ rằng chỉ có nhà giàu thừa tiền mới kinh doanh lĩnh vực này vậy. Thơ Thơ thừa nhận rằng đầu tư cho một cơ sở thẩm mỹ tốt sẽ tốn kém, con số lên đến nhiều tỉ đồng nếu bạn muốn có một cơ sở nằm trong TOP bây giờ, khi mà số lượng các Spa, thẩm mỹ tăng ngày một nhiều. Nhưng chiếu sang các lĩnh vực kinh doanh khác như sản xuất bao bì, may mặc hay gần nhất đang hot là nông nghiệp hữu cơ, thì con số này hoàn toàn không thể so sánh được.
Nhiều người, như Thơ chẳng hạn, đầu tư vì yêu thích và đam mê lắm. Mình dành nhiều năm để học hỏi về từng công nghệ, từng điều nhỏ trong cả chuyên môn và quản lý. Thơ kinh doanh thẩm mỹ và Thơ có lý tưởng của mình như bao doanh nhân khác.
Đầu tư kinh doanh lĩnh vực thẩm mỹ ở Việt Nam phải đầu tư dài hạn
Thẩm mỹ ở Việt Nam hiện tại đâu đó như Hàn Quốc cách đây vài chục năm, đổ xô để làm cho khuôn mặt rồi hình thể mình được giống như những hình mẫu có sẵn, để rồi có những chuyện dở khóc dở cười như khi bước lên một chiếc máy bay của Hàn Quốc, bố mình phải thốt lên rằng "Ôi mấy cô tiếp viên này là sinh ba à?" . Đó là làm đẹp theo trào lưu. Thơ không muốn đi theo hướng đó.
Mong muốn của Thơ, là nghiên cứu làm sao để mỗi khách hàng đến sử dụng dịch vụ sẽ được cải thiện để đẹp nhất có thể mà vẫn giữ được những nét riêng của mình, vì những nét riêng đó, không dao kéo và tiền bạc nào có thể mua được, hãy làm nó đẹp lên chứ đừng vứt bỏ nó đi.
Và Thơ biết rằng con đường đó không phải ngày một ngày hai mà đạt được. Nhất là trong bối cảnh thị trường thẩm mỹ đang hỗn loạn như hiện nay. Các cơ sở chạy đua về cơ sở vật chất, trình diễn các loại công nghệ, lôi kéo các nhãn quốc tế về để làm câu chuyện quảng bá... rất ít cơ sở có thể và mong muốn minh bạch thông tin với khách hàng, tư vấn cho họ một con đường làm đẹp tốt cho họ chứ không phải con đường nhanh chóng làm tăng hầu bao cho mình.
Doanh nhân Nguyễn Thơ Thơ sinh năm 1990
Tốt nghiệp ĐH Y tế công cộng và ĐH Thăng Long
Sở hữu Viện thẩm mỹ Kamala – Viện thẩm mỹ không phẫu thuật dẫn đầu Việt Nam.
Sau 2 năm kinh doanh, Kamala chuẩn bị khai trương cơ sở mới tại địa chỉ 96 Triệu Việt Vương với nhiều đổi mới về cơ sở vật chất, định hướng kinh doanh cũng như quy trình phục vụ khách hàng.