Khởi động làn sóng đầu tư mới

Tập đoàn Canon (Nhật Bản) vừa công bố chọn Việt Nam làm nơi xây dựng cứ điểm sản xuất máy in LBP xuất khẩu lớn nhất thế giới. 30% máy in tiêu thụ trên toàn cầu sẽ được sản xuất tại VN. Sự kiện này báo trước một làn sóng đầu tư nước ngoài mới sắp quay lại VN?

Không chỉ công bố, Tập đoàn Canon đã triển khai xây dựng nhà máy sản xuất máy in LBP tại Khu công nghiệp (KCN) Quế Võ, Bắc Ninh vào cuối tháng 4 vừa qua. Với vốn đầu tư ban đầu 76 triệu USD, đầu năm 2006 khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ cung cấp ra thị trường thế giới 8,4 triệu máy in LBP/năm.

 

Đây là dự án đầu tư thứ 2 của Canon tại VN sau khi đã đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất máy in phun tại KCN Thăng Long (Hà Nội), với vốn đầu tư hơn 174 triệu USD.

 

Ông Yasuo Mitsuhashi, Giám đốc điều hành sản phẩm thiết bị ngoại vi của Canon cho biết, đây là nhà máy sản xuất máy in LBP lớn nhất thế giới, và với 2 dự án hơn 250 triệu USD vốn đầu tư, Canon đã quyết định chọn VN để xây dựng cứ điểm sản xuất máy in lớn nhất thế giới.

 

Ông Yasuo cũng cho biết, nhu cầu tiêu thụ máy in LBP trên thị trường thế giới đang “nóng”, vì vậy Canon đang chạy nước rút để đưa nhà máy LBP Bắc Ninh vào sản xuất ngay đầu năm 2006.

 

Tập đoàn này hiện có 7 nhà máy trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó VN được đầu tư đến 2 nhà máy công nghệ mới nhất và lớn nhất. 100% sản phẩm sẽ được xuất khẩu và 30% máy in tiêu thụ trên thế giới là do Canon VN cung cấp. Chỉ tính trên đơn giá xuất khẩu 288 USD/máy in LBP, kim ngạch xuất khẩu máy in LBP có thể lên đến hơn 2 tỷ USD/năm.

 

Nói về lý do chọn VN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon VN, ông Sachio Kageyama cho rằng, VN là một thị trường đầy tiềm năng, có lợi thế về vị trí địa lý, trong khi lao động rất chăm chỉ, cần cù, dân số đông. Tất nhiên, còn một lý do nữa, theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Nhật Bản tại VN, đó là việc VN và Nhật Bản đã ký kết các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của VN đã thay đổi đáng kể theo hướng ngày càng mở rộng cánh cửa thu hút vốn đầu tư.  

 

Tổng Giám đốc KCN Quế Võ, Bắc Ninh, ông Đặng Thành Tâm khẳng định rằng, đã bắt đầu một làn sóng đầu tư mới vào VN từ Nhật Bản.

 

Bằng chứng là chỉ ngay sau lễ khởi công dự án Canon 1 ngày, KCN Quế Võ đã tiếp đón hàng trăm nhà đầu tư khác đến từ Nhật và các nước trong khu vực. Trong đó, có rất nhiều nhà đầu tư là các vệ tinh chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho Canon.

 

Đến thời điểm này, chỉ riêng Canon và các vệ tinh đã ký thuê đất hơn 100ha, tức 1/3 diện tích đất cho thuê của KCN Quế Võ. Chưa kể nhiều dự án đầu tư lớn khác trên lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, dệt may của Đài Loan, Nhật Bản… cũng chọn Quế Võ để đầu tư.

 

Chỉ tính đến tháng 4/2005, KCN này đã thu hút hơn 700 triệu USD và trên 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Tổng diện tích 330ha giai đoạn 1 đã lấp đầy và đang mở tiếp 300ha giai đoạn 2 để kịp đón các nhà đầu tư mới đến từ Nhật Bản.

 

Dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài có phải đã trở lại VN? Điểm qua tình hình thu hút vốn FDI 4 tháng qua, nhận định này không phải không có cơ sở. Tập đoàn Honda không chỉ tăng vốn đầu tư để sản xuất xe tay ga tại VN, mà đầu năm nay còn chính thức công bố dự án 58 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất ô tô tại VN.

 

Tập đoàn Yamaha Motor cũng đầu tư vào KCN Thăng Long, Hà Nội một nhà máy sản xuất phụ tùng với số vốn lên đến 47,6 triệu USD. Toyoda Gosei Hải Phòng tăng thêm vốn đầu tư 22,2 triệu USD…

 

Không chỉ thị trường Nhật, nhiều dự án lớn khác đến từ nhiều quốc gia cũng đã được triển khai như: Dự án xử lý rác của Tập đoàn Lemna (Mỹ) tại TPHCM với 36 triệu USD; Dự án Công ty Toto VN tăng vốn thêm 52 triệu USD; Tập đoàn giày Pousung đầu tư tại Đồng Nai 190 triệu USD; Tập đoàn Vedan cũng vừa đầu tư mở rộng thêm 10,9 triệu USD, Tập đoàn xi măng Luks cũng xin tăng thêm vốn đầu tư 28 triệu USD…

 

Bốn tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, VN đã thu hút vốn FDI lên đến 2.114,4 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và điều quan trọng là chỉ mới khởi động 4 tháng, tổng nguồn vốn FDI thu hút được đã đạt gần 50% kế hoạch năm.

 

Tình hình còn lạc quan hơn, bởi theo ông Phan Hữu Thắng Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT, hiện còn khá nhiều dự án lớn đang chờ xem xét cấp phép như: một dự án sản xuất thép không gỉ vốn đầu tư 700 triệu USD; các dự án khai thác và chế biến quặng sắt ở Hà Tĩnh, quặng boxít ở Lâm Đồng, phát triển cảng Vân Phong (Khánh Hòa)… với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD.

 

Đó là chưa kể hàng loạt dự án đầu tư khu du lịch biển, resort ở các thành phố Đà Lạt, Đà Nẵng… cũng đang được các nhà đầu tư nước ngoài triển khai lập thủ tục. Một làn sóng đầu tư mới đang chảy vào VN, dòng chảy này dự báo sẽ còn ào ạt hơn, khi chặng đường đàm phán gia nhập WTO của VN sắp hoàn thành.

 

 

 Theo Thu Thủy

Sài Gòn Giải Phóng