Khoe giàu kiểu Mexico
Tại Mexico, tầng lớp trẻ siêu giàu (gọi là Mirreyes) gia tăng chóng mặt trong 15 năm qua và không ngừng khoe khoang sự giàu có trên mạng xã hội khiến dư luận nước này không khỏi nóng mặt.
Chuyện các cậu ấm cô chiêu mượn mạng xã hội Instagram để khoe của không phải là hiếm tại nhiều nước. Tuy nhiên, tại Mexico, trào lưu này gây ra không ít lo ngại bởi nhiều người trong số Mirreyes có thể sẽ chen chân vào thương trường hoặc chính trường nước này trong tương lai.
Hiện tượng này còn phản cảm ở chỗ Mexico có gần một nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói, trái ngược hẳn những hình ảnh hưởng thụ cuộc sống giàu sang, từ uống rượu champagne đắt tiền, đeo đồng hồ xa xỉ, túi xách hàng hiệu cho đến đi siêu xe, du thuyền… xuất hiện nhan nhản trên mạng.
Trong một số trường hợp, sự khoe của trở nên ngông cuồng dẫn đến kết cục bi thảm. Tai tiếng nhất có lẽ là vụ Jorge Alberto López Amores, con trai cả của ông Raciel Lopez Salazar - Tổng chưởng lý bang Chiapas. Anh này nhậu quắc cần câu rồi nhảy từ tầng 15 của chiếc du thuyền xuống vùng biển ngoài khơi Brazil hồi tháng 6-2014.
Trước khi bỏ mạng (thi thể vẫn chưa được tìm thấy cho đến giờ), người thanh niên 29 tuổi này còn nhờ bạn bè dùng điện thoại quay lại cảnh anh ta nhảy xuống nước cùng với tuyên bố “sẽ đi vào lịch sử” vì bắt chiếc tàu dừng trong 2 giờ để tìm kiếm mình.
Trước đó, hồi năm 2012, con gái của ông chủ tập đoàn dầu mỏ Carlos Romero Deschamps bị chỉ trích dữ dội khi đăng ảnh xài túi Gucci, uống rượu cao cấp lên mạng xã hội Facebook. Hình ảnh hào nhoáng của cô hoàn toàn không phù hợp với một đất nước mà nhiều người phải làm việc trung bình 2.226 giờ/năm và mỗi hộ gia đình chỉ kiếm được 12.850 USD/năm sau thuế.
Báo Daily Mail (Anh) cho biết đây chỉ là 2 trong số những câu chuyện được kể trong quyển sách mới viết về “Mirreyes” của tác giả Ricardo Raphael.
“Không cần biết tiền bạc đến từ đâu - công việc, thừa kế, trộm cắp, tham nhũng hay trúng số - điều quan trọng chính là sức mua mà giới trẻ siêu giàu khoe khoang. Bằng cách tự xưng mình là “vua” trên phương tiện truyền thông xã hội, những thanh niên hư hỏng này có lẽ đang muốn tạo cho mình các kiểu mạng lưới kinh doanh và chính trị sau này bởi tiền thường thu hút những người bạn thế lực” - tác giả này viết.
Theo Sim Đỗ
Người Lao động