Khóc cười tranh chấp chung cư

Khó khăn khiến thị trường bất động sản năm 2012 phát sinh nhiều cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, hậu trường của những tranh chấp căng thẳng này lại là những toan tính dở khóc, dở cười.

Muốn thỏa hiệp nên không đấu tranh đông người

Đầu năm 2012, hàng trăm khách hàng góp vốn mua nhà tại Dự án Hà Nội Time Towers (quận Hà Đông) đã rất bức xúc về tình trạng Dự án chậm tiến độ và muốn rút vốn.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bản thân chủ đầu tư là CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVCR) gặp khó khăn về tài chính, nên việc đồng loạt đòi rút vốn rất khó thực hiện. Vì thế, Ban đại diện khách hàng đã “bỏ rơi” số đông để thành lập một nhóm riêng lẻ, chỉ gồm 15 - 20 người. Đây được cho là số lượng khách hàng vừa đủ để gây áp lực có thể thỏa thuận với chủ đầu tư. Thế nhưng, do PVCR quá khó khăn, nên sau 1 năm đấu tranh, phần lớn thành viên nhóm này vẫn không thể rút vốn khỏi Dự án.

Ban đại diện bị tố mượn danh số đông để “tư lợi”

Sau gần 1 năm gây sức ép, mới đây, nhóm khách hàng mua nhà tại Dự án Xuân Phương của Viglacera đã phải "đầu hàng", chấp nhận mua nhà theo các điều khoản của chủ đầu tư.

Thị trường bất động sản khó khăn là nguyên nhân chính khiến
nhiều cuộc tranh chấp xảy ra
Thị trường bất động sản khó khăn là nguyên nhân chính khiến nhiều cuộc tranh chấp xảy ra

Dù miễn cưỡng chấp nhận các điều khoản của chủ đầu tư, nhóm khách hàng này tỏ ra rất ấm ức và tố có tiêu cực trong nội bộ nhóm Ban đại diện cũ. Theo nhóm khách hàng này, Ban đại diện cũ đã mượn danh số đông để “tư lợi”. Bởi sau khi đã đạt được một “thỏa thuận ngầm” nào đó với chủ đầu tư, các thành viên trong Ban đại diện đã lần lượt xin rút và không tiếp tục tham gia đấu tranh cho quyền lợi của số đông?! Việc giải thể Ban đại diện đã khiến các khách hàng khác rơi vào bế tắc và đành phải chấp nhận mua nhà với các điều khoản họ từng phản đối.

Tố chủ dự án chỉ để “hoãn binh” việc đóng tiền

Cách đây không lâu, việc hàng trăm khách hàng mua nhà tại Dự án Splendora tố nhiều sai phạm của chủ dự án đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Thế nhưng, ít ai biết rằng, việc tố nhiều sai phạm của chủ đầu tư chỉ là “cực chẳng đã”. Bởi trước đó, nhiều khách hàng mua nhà tại Dự án đã không thể thỏa thuận được với chủ đầu tư về việc giãn tiến độ xây dựng, giãn tiến độ nộp tiền và tính lại giá bán tại dự án này. Trong khi thị trường quá khó khăn, chủ đầu tư lại triển khai Dự án quá nhanh, khiến nhiều nhà đầu tư không có tiền nộp theo tiến độ. Vì thế, việc đấu tranh của khách hàng sau này được cho là chỉ nhằm mục đích được giãn tiến độ nộp tiền mà không bị phạt hợp đồng.

Tương tự Dự án Splendora, Dự án Văn Phú Victoria của chủ đầu tư Văn Phú Invest cũng bị khách hàng khiếu nại một số sai phạm, chỉ vì chủ dự án triển khai quá nhanh khiến khách hàng không xoay được tiền nộp theo đúng tiến độ.

Sợ “trạng chết, chúa cũng băng hà”

Trong khi khách hàng các dự án có xu hướng đấu tranh công khai để đòi quyền lợi, thì hàng trăm khách hàng mua nhà tại Dự án Usilk City của chủ đầu tư CTCP Sông Đà Thăng Long, dù rất bức xúc khi Dự án bị “đắp chiếu” cả năm trời, lại không dám công khai tố chủ đầu tư, mà có xu hướng “hoạt động bí mật” trong việc gây sức ép.

Theo phản ánh của một số khách hàng, trong năm 2012, chủ đầu tư quá khó khăn, Dự án bị đình trệ, vì thế việc đòi rút tiền là không khả thi. Song nếu tố cáo chủ đầu tư, khách hàng sợ doanh nghiệp có thể phá sản, khi đó, nhà đầu tư sẽ mất vốn. Vì thế, các khách hàng âm thầm gây sức ép để đi đến những thỏa thuận ngầm với chủ đầu tư. Nếu có một đơn từ nào đó của khách hàng gửi ra bên ngoài, thì đó cũng chỉ nhằm “rung cây dọa khỉ”, nhắc chủ đầu tư nhớ đến trách nhiệm của mình để nỗ lực thực hiện dự án.

Thị trường bất động sản khó khăn khiến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư tăng mạnh. Song hậu trường của các tranh chấp nhiều khi khác xa với những biểu hiện bên ngoài. Vì thế, lúc bức màn bí mật của các tranh chấp được vén lên, đã khiến cả người trong và ngoài cuộc phải giật mình!

Theo Trọng Tuyến
ĐTCK