1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc lên mức đáng lo ngại

(Dân trí) - Kinh tế phát triển nhanh chóng trong 3 thập kỷ vừa qua đã giúp Trung Quốc có thêm rất nhiều triệu phú và tỷ phú. Nhưng đồng thời nó cũng khiến khoảng cách giàu nghèo lên mức đáng lo ngại.

Theo thông tin vừa được China Youth Daily, một tờ báo của chính phủ Trung Quốc đăng tải đầu tuần này, hiện khoảng cách giàu nghèo của nước này đã lên đến mức cao đáng ngại. Được phản ánh dựa trên hệ số Gini (với mức 0 là tuyệt đối công bằng và 1 là mất cân bằng cao nhất), hiện hệ số này của Trung Quốc là 0,458, vượt ngưỡng 0,4, vốn là mức mất cân bằng thu nhập đáng lo ngại, có thể gây bất ổn xã hội.

Khoảng cách giàu – nghèo quá lớn đang khiến Trung Quốc chịu bất ổn (Ảnh: Internet)
Khoảng cách giàu – nghèo quá lớn đang khiến Trung Quốc chịu bất ổn (Ảnh: Internet)

“Những người giàu tại Trung Quốc giờ đây mua vàng, sắm đồ xa xỉ, xe hơi đắt tiền và các biệt thự. Họ cũng sẵn sàng chấp nhận những mức giá cắt cổ cho các thú vui của bản thân. Thế hệ những người giàu có thứ hai nhờ tiền của cha mẹ hầu hết đều ra nước ngòai để du học và phát triển thêm…thói quen mua sắm. Nhiều nhà kinh doanh xe hơi phải choáng váng khi thấy giới nhà giàu thay xe như thay tất”, bài báo viết.

Chỉ cần lấy đồng tiền vàng của Olympics London 2012 làm ví dụ. Ngay khi vừa xuất hiện trên thị trường Trung Quốc giá của nó đã tăng lên 40 – 50%. Trong khi đó, những người nghèo đang oằn lưng với gánh nặng nợ nần, học phí cho con cái và tiền tiết kiệm lúc về hưu.

Trước đó hồi tháng 3, nguyên ủy viên bộ chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai còn tiết lộ với trang Bloomberg bên lề cuộc họp Quốc hội rằng hệ số Gini của nước này đã vượt 0,46.

Sự mất cân bằng về thu nhập đang khiến sức tiêu dùng trong nước của Trung Quốc bị ảnh hưởng đáng kể, buộc nhiều chuyên gia kinh tế của nước này phải lên tiếng. Trong 10 năm qua, số liệu thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ tiêu dùng/GDP đã giảm từ 62% xuống chỉ còn 47%.

Tại một buổi hội thảo kinh tế tại đại học Peking mới đây, ông Justin Lin, cựu kinh tế gia trưởng của ngân hàng thế giới (WB) khẳng định sự suy giảm sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc, một phần xuất phát từ chính sự mất cân bằng trong phân phối thu nhập.

“Trước những năm 1990, tiêu dùng của các hộ gia đình đóng góp 70% vào GDP. Đến nay tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 35%. Như vậy chúng ta có thể thấy rất nhiều của cải đã được đổ về các doanh nghiệp”, đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI trích dẫn.

Trong khi đó chuyên gia Murtaza Syed, đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế IMF tại Bắc Kinh khẳng định trước báo giới hôm 22/2 rằng, theo số liệu của WB khoảng cách giàu nghèo tại Trung Quốc tăng nhanh nhất châu Á trong 2 thập kỷ qua. Đồng thời ông cảnh báo: “Nếu Trung Quốc ngày càng trở nên mất cân bằng hơn về thu nhập, quốc gia này sẽ rất khó để duy trì đà tăng trưởng tại mức nào đó gần với những con số hiện tại”.

Sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn sẽ ảnh hưởng thế nào đến tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, có lẽ vấn đề đó với nhiều người vẫn khá mù mờ. Tuy nhiên hệ quả trực tiếp mà nó đang gây ra thì đã rõ. Vài năm trở lại đây các vụ biểu tình, bạo động tại Trung Quốc ngày một nhiều.

Theo thống kê của giáo sư Sun Liping thuộc đại học Tsinghua University, trong năm 2010 số lượng các cuộc biểu tình, bạo loạn tại nước này đã tăng lên gấp hơn 4 lần 1 thập kỷ trước đó. Tháng 9 năm 2011, tờ New York Times dẫn lời một website chính phủ Trung Quốc cho biết, hàng trăm người dân tại làng Wukan, tỉnh Guangdong đã xuống đường phản đối việc bị thu hồi đất trái luật. Họ đốt phá trụ sở chính quyền địa phương và giành được quyền bầu cử lại các vị trí lãnh đạo.

Vụ việc này đã khiến chính quyền tỉnh Guangdong phải giật mình và chủ tịch tỉnh Zhu Xiaodan khẳng định với báo giới bên lề kỳ họp quốc hội vừa qua rằng, chính quyền địa phương đang dành “ưu tiên cao nhất” cho những bài học rút ra được từ biến cố ở làng Wukan.

Đồng thời ông Zhu khẳng định tỉnh sẽ bài trừ nạn tham nhũng trong quan chức và cải thiện hoạt động giám sát của nhân dân. Rõ ràng khoảng cách giàu nghèo quá cao đang khiến Trung Quốc đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn và là bài toàn lớn cho các nhà hoạch định chính sách nước này.

Thanh Tùng
Tổng hợp