Khó xử lý vàng tồn
Quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng có thể gây khó khăn trong việc xử lý vàng tồn kho.
Ngoài ra, các ngân hàng không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả.
Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của các ngân hàng phải chấm dứt vào ngày 1/5/2012. Riêng đối với số vốn bằng vàng đã chuyển đổi thành tiền phải tất toán chậm nhất vào ngày 30/6/2011.
Mục đích của việc ban hành Thông tư 11/2011/TT-NHNN, theo Ngân hàng Nhà nước, là giảm tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế, hạn chế tình trạng đầu cơ để góp phần ổn định thị trường ngoại hối (ngoại tệ, vàng), giảm phương tiện thanh toán bằng vàng trong lưu thông.
Tuy nhiên, do thời gian qua, lượng vốn huy động bằng vàng của các ngân hàng không tìm được đầu ra, nên lượng vàng tồn kho tại một số ngân hàng là khá lớn.
Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, việc hạn chế kinh doanh vàng sẽ khiến lượng vàng tồn kho cao, bởi tỷ trọng cho vay ngoại tệ và vàng chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của ACB. Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I của ACB đạt trên 860 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng trong đó, hoạt động kinh doanh vàng đem lại thu nhập đáng kể cho Ngân hàng, chiếm 15-20% tổng thu nhập của ACB trong quý I/2011.
“Trong điều kiện Ngân hàng Nhà nước hạn chế hoạt động kinh doanh vàng, cấm cho vay và huy động vàng, thì có một lượng tài sản huy động, đặc biệt là vốn bằng vàng của ACB sẽ bị tồn kho với lượng lớn. Chúng tôi đã thường xuyên trao đổi để có giải pháp duy trì tỷ lệ tài sản có sinh lời ở mức cao và mức này có thể giảm trong trường hợp các quy định pháp luật thay đổi”, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB nói.
Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho rằng, phải có thời gian mới có thể xử lý được lượng vàng huy động tồn kho.
Tương tự, một lãnh đạo cấp cao Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) cũng cho hay, một khi cấm cho vay và sắp tới là cấm huy động vàng sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động, cũng như nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của Ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, Sacombank - SBJ sẽ chuyển hướng sang kinh doanh nữ trang và trang sức nhiều hơn.
Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang lại tỏ ra lo ngại khi các ngân hàng thương mại phải dừng cho vay vốn bằng vàng.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), lâu nay, bản thân PNJ, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh nữ trang khác đều vay vàng của các ngân hàng để chế tác nữ trang. Do đó, khi các ngân hàng phải dừng cho vay vàng, thì đó cũng là khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng vàng của khách hàng gửi tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội chiếm 11% cả nước. Con số này tại TP.HCM là 76%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, lượng vàng ở đây được sử dụng như kênh đầu tư, đầu cơ, chứ không còn là phương tiện tích trữ, nên quy định không huy động vàng sẽ có tác động tích cực hơn.
Theo Thùy Vinh
Báo Đầu tư