Khó thu tiền từ Facebook, Google: Ngành thuế TP.HCM nói gì?

Đại Việt

(Dân trí) - Các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook, Google… phát sinh doanh thu hàng tỷ USD ở Việt Nam nhưng việc đánh thuế doanh nghiệp vô cùng nan giải.

Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - đã chia sẻ nhiều thông tin về việc thu ngân sách. Các thông tin này được nêu tại phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách tháng 4 và 4 tháng năm 2021, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2021 diễn ra vào chiều 11/5. 

Ông Minh cho biết, về tốc độ tăng trưởng, theo dự kiến, đến cuối năm 2022, thành phố mới quay lại thời kỳ giống như năm 2019. Tuy nhiên, mới đến giữa năm 2021, việc phát triển cũng đã ngang với năm 2019.

Liên quan đến việc hỗ trợ chính sách thuế cho doanh nghiệp, ông Minh chia sẻ, thành phố sẽ gia hạn thuế khoảng 15.000 tỷ đồng cho hầu hết đối tượng nộp thuế, trừ các đối tượng liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá…

"Việc gia hạn thuế sẽ hỗ trợ cho khoảng 56.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh để các tổ chức, cá nhân này có thêm nguồn lực để phát triển", ông Minh nói.

Khó thu tiền từ Facebook, Google: Ngành thuế TP.HCM nói gì? - 1

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM (Ảnh: Đ.V.Q.A).

Về vấn đề tiền thuê đất, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, người dân các quận, huyện và các hiệp hội ngành nghề đã kiến nghị lên UBND thành phố xin miễn giảm tiền thuê đất cho các mặt bằng không cho thuê được. Người dân cũng kiến nghị giảm các khoản phí, tiền thuê sạp cho các tiểu thương.

Đối với ngành thương mại điện tử, Cục sẽ phối hợp với các Sở ngành tham gia cung cấp thông tin để định danh các đơn vị chuyển đổi số cũng như hoạt động kinh tế kỹ thuật số. Ngành thuế phải đảm bảo việc chống thất thu từ thương mại điện tử và quản lý thuế từ các trang thương mại điện tử hiệu quả hơn.

Theo ông Minh, hiện nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Google… đến Việt Nam đặt văn phòng đại diện nhưng không phải là tổ chức kinh doanh thương mại. Chính vì vậy mà ngành thuế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thu ngân sách.

Để quản lý được những đơn vị này, các doanh nghiệp phải có nền tảng đặt tại Việt Nam. Các chương trình, phần mềm của các đơn vị phải được các cơ quan Nhà nước của Việt Nam quản lý.

Ông Minh đề xuất, muốn quản lý giao dịch của những doanh nghiệp ngoại nói trên, Bộ Công Thương cần hỗ trợ ngành thuế để có thể vào hệ thống của các doanh nghiệp này mới quản lý được.

Trong khi đó, hiện nay, Cục Thuế TP.HCM chỉ đang trông chờ vào các ngân hàng thương mại. Trong khi các ngân hàng chỉ cung cấp thông tin xác minh tài khoản, cung cấp thông tin "thu vào, chi ra" của các tổ chức. Việc này chỉ ngăn chặn được ở "phần ngọn", còn "phần gốc" là cách hình thành hệ thống, các giải pháp, các phần mềm theo dõi việc mua bán trên mạng như thế nào?.

Khó thu tiền từ Facebook, Google: Ngành thuế TP.HCM nói gì? - 2

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM (Ảnh: Đ.V.Q.A).

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận, việc phát triển của các công ty công nghệ hay ngành thương mại điện tử đang diễn ra quá nhanh. Tuy nhiên, quản lý Nhà nước đối với những ngành đặc thù này đang chưa theo kịp. Trong tương lai, thành phố sẽ phải linh động hơn để bắt nhịp với những sự thay đổi liên tục và sự phát triển của những công nghệ mới.

Báo cáo vừa công bố của Google, Temasek và Brain & Company về kinh tế số Đông Nam Á trong năm 2020 cho thấy, ngành truyền thông trực tuyến tại Việt Nam đã tăng trưởng 18% so với năm trước, đạt giá trị 3,3 tỷ USD.

Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động quảng cáo trực tuyến đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng đầu tư quảng cáo tại Việt Nam. Trong đó, 2 nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng không đóng thuế hay đóng "nhỏ giọt" trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là một bất công trên thị trường.