Khổ như đi vay ngân hàng thời thắt chặt tín dụng

(Dân trí) - Chính sách tiền tệ và tài khóa được thắt chặt, đối tượng được vay tiền ngân hàng có thế chấp chỉ áp dụng với lĩnh vực xuất kinh doanh. Bởi vậy, rất nhiều người có nhu cầu chính đáng khác bị ngân hàng liệt vào danh sách từ chối đang phải kêu trời!

Từ tỉnh lẻ về Thủ đô, suốt 4 năm ròng gắn bó với cuộc sống đi ở trọ, vợ chồng chị Hà (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) dành dụm được 500 triệu nên tính hướng mua miếng đất ở ngoại thành để dần dần xây cái nhà lấy chỗ chui ra chui vào. Thế rồi nghe người quen giới thiệu, vợ chồng chị tìm được mảnh đất ở mạn Đông Anh rất đẹp, nhưng khổ nỗi mảnh đất có giá tới 700 triệu đồng và phải trả 1 cục nên 2 vợ chồng rất đắn đo.

Suy đi tính lại, vì quá thích mảnh “đất vàng” trong tương lai không xa nên vợ chồng chị Hà quyết định mang sổ đỏ của mảnh đất anh chị đang sở hữu ở quê đi thế chấp để vay ngân hàng. Tuy nhiên, dù gõ cửa rất nhiều cửa hàng nhưng vợ chồng chị đều bị từ chối với lí do: chỉ cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất kinh doanh, việc vợ chồng chị Hà vay tiền mua đất như thế là phi sản xuất nên không nằm trong diện được vay vốn ngân hàng.

Bấn quá mà vay ai cũng khó, dù hỏi hết người thân, bạn bè và những chỗ có thể vay thì vợ chồng chị mới gom được thêm 100 triệu. Nhượng lại mảnh đất cho người khác thì không muốn mà giữ lấy thì không mua nổi, tiền cầm lên đặt xuống mãi vẫn không xong, cuối cùng vợ chồng chị Hà đành buông ra và ngậm ngùi tiếc nuối.

Chị Hà tâm sự: “Nếu Nhà nước đóng cửa này mà mở cửa khác ra thì dân nghèo như chúng tôi mới dám ước mơ về 1 ngôi nhà đàng hoàng hơn, đầy đủ hơn. Còn với chính sách thắt chặt tín dụng như thế này thì tôi mãi mãi vẫn lực bất tòng tâm. Thảo nào tôi nghe thấy người ta cứ truyền tai nhau là Hà Nội không vội được đâu… Đúng là vẫn chưa vội được”.
 
Khổ như đi vay ngân hàng thời thắt chặt tín dụng - 1
Chính sách tiền tệ và tài khóa được thắt chặt khiến nhiều người than phiền
(ảnh: Việt Hưng)

Cũng chuyện đi vay ngân hàng, bác Học (60 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết vì muốn sửa lại căn nhà đang xuống cấp nhưng đi vay ngân hàng thì không nơi nào cho vay.

“Tôi không rõ lắm về việc Nhà nước thắt chặt tín dụng. Tôi muốn sửa lại ngôi nhà cho kiên cố hơn, nhưng tiền tiết kiệm mới được 1 nửa nên tính chuyện mang sổ đỏ đến ngân hàng thế chấp để vay, thế rồi ra đến ngân hàng tôi mới giật mình vì mục đích vay tiền của mình không được chấp nhận” - bác Học cho biết.

Không nói rằng quy định thắt chặt tín dụng của Nhà nước là bất hợp lí, nhưng bác Học bày tỏ: “Quy định sẽ giúp Nhà nước quản lý tốt hơn nguồn vốn, nhưng với quy định này, chỉ những người kinh doanh mới được ngân hàng tiếp đón còn những người dân nghèo hay những người không sản xuất kinh doanh thì chẳng bao giờ vay được tiền ngân hàng dù mục đích có chính đáng. Tôi cho rằng quy định này hơi khắt khe với những đối tượng như chúng tôi”.

Trên thực tế, quy định về thắt chặt tín dụng đã được hối thúc chỉ đạo từ hồi cuối tháng 3 nhằm tăng cường huy động vốn, giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất để tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh.

Về việc này, nhiều chuyên gia về lĩnh vực kinh tế bất động sản cho rằng: Một khi chúng ta đã tiến hành các biện pháp thắt chặt tín dụng từ hệ thống ngân hàng đối với thị trường bất động sản thì phải có những giải pháp thay thế kênh cung cấp tài chính cho thị trường này. Ngoài ra, cần ưu tiên cho người mua nhà vay hơn là đối với nhà đầu tư. Việc coi bất động sản thuộc lĩnh vực phi sản xuất để hạn chế tín dụng mà không phân biệt các loại bất động sản thiết yếu là không phù hợp.

Quỳnh Anh