Khó khăn: Tập đoàn TKV kêu cứu lên Thủ tướng

Tập đoàn Than - Khoáng sản đang đứng trước nguy cơ thua lỗ trầm trọng vì tiêu thụ đình trệ, giá xuất khẩu giảm kỷ lục trong khi, phải chịu sức ép bù chênh lệch giá than bán cho điện thấp hơn giá thành tới 8.500 tỷ đồng.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa kêu cứu vì sức mua sụt giảm, Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng vừa có "thư" kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ về tình trạng thị trường đi xuống này.

 

Theo phản ánh của Vinacomin, từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ than gặp rất nhiều khó khăn. Trừ than bán cho điện vẫn đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, các hộ tiêu dùng lớn như xi măng, giấy, hóa chất, phân bón và nhiều hộ khác lấy than rất chậm. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ của các hộ này cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Tương tự, do ảnh hưởng diễn biến xấu của kinh tế thế giới, lượng than xuất khẩu cũng bị sụt giảm theo.

 

Dự kiến 4 tháng đầu năm, Vinacomin chỉ tiêu thụ được 12,9 triệu tấn, bằng 28,3% kế hoạch năm. Trong đó, than xuất khẩu dự kiến chỉ đạt 3,9 triệu tấn, bằng 26,9% kế hoạch năm. Than tiêu thụ trong nước chỉ đạt 9 triệu tấn, bằng 29% kế hoạch năm.

 

Vì sức mua chậm nên tồn kho của tập đoàn rất cao, nhất là lượng than tại các kho cảng. Tính tới cuối quý I vừa rồi, than tồn kho của Tập đoàn lên tới 7,5 triệu tấn.

 

Năm 2012, trên cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng than trong nước tăng, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch sản xuất tiêu thụ 45,5 triệu tấn than, bao gồm tiêu thụ trong nước 31 triệu tấn và sẽ xuất khẩu 14,5 triệu tấn. Tuy nhiên, sự đi xuống của nhu cầu thị trưởng cả ở nội địa và xuất khẩu sẽ khiến Tập đoàn này khó đạt được kế hoạch đề ra.
 
Khó khăn: Tập đoàn TKV kêu cứu lên Thủ tướng

 

Không chỉ gặp khó về sức mua, Vinacomin còn đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá bán xuất khẩu sụt giảm.

 

So với tháng 9/2011, giá than xuất khẩu hiện xuống thấp kỷ lục. Giảm mạnh nhất phải kể đến là than cám số 8BHG giảm tới 36%, từ 220USD/tấn xuống còn 141 USD/tấn. Giảm mạnh thứ hai là than cục số 4AHG giảm giá tới 24%, từ 315 USD/tấn xuống còn 240 USD/tấn. Than cám số 11 AHG cũng giảm tới 10%, từ  mức giá 94,2USD/tấn xuống chỉ còn 85 USD/tấn. Than cám số 9 BHG giảm 8%, từ 130 USD/tấn còn 120USD/tấn.

 

Trong khi đó, đối với hộ tiêu dùng lớn duy nhất không giảm sản lượng tiêu thụ than là ngành điện thì Vinacomin lại phải bán thấp hơn giá thành theo chỉ đạo của Chính phủ. Vinacomin cho hay, hiện giá than bán cho điện chỉ ở mức 680.400 đồng/tấn đối với than cám 4b, bằng gần 60% giá thành. Than cám 5 bán cho điện cũng chỉ ở mức 546.000 đồng/tấn, chỉ gần bằng 50% giá thành.

 

Nhân với sản lượng than sẽ bán cho điện trong năm nay dự kiến 13,5 triệu tấn và nếu không được điều chỉnh giá, Vinacomin ước tính bán than cho điện thấp hơn giá thành tới 8.500 tỷ đồng.

 

Như vậy, mức bù chênh lệch giá thành khi bán cho điện trong năm nay còn gấp gần 3 lần so với năm 2011, khi Tập đoàn này chịu "lỗ" 3000 tỷ giá than bán cho điện.

 

Theo báo cáo tới Thủ tướng, Vinacomin khẳng định tất cả các yếu tố trên cộng hưởng lại đã khiến cho tình hình cân đối tài chính của Tập đoàn hết sức khó khăn.

 

Tập đoàn này kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép giảm thuế xuất khẩu than hiện hành từ mức 20% xuống 0%. Theo Vinacomin, đây là giải pháp khả thi nhất nhằm khắc phục tình hình tài chính hiện nay của Tập đoàn.

 

Theo Phạm Huyền

VEF