Khó khăn chồng chất ở dự án tỷ đô Thái Bình 2, PVN lên tiếng kêu cứu

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa nêu một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý.
Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý.

Cụ thể, theo PVN, mặc dù cố gắng quyết tâm hoàn thành và đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên thực tế triển khai thì thấy nguy cơ chậm tiến độ, những tác động xấu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư và an ninh năng lượng quốc gia từ dự án này sẽ là tất yếu nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng cho biết, do chậm tiến độ, đến nay, một số thiết bị tại nhà máy dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất. Do vậy, việc dự án tiếp tục bị chậm tiến độ theo Bộ Công Thương sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất.

Đặc biệt ở dự án này, nhiều cán bộ của tổng thầu PVC và chủ đầu tư có biểu hiện tâm lý, lo sợ các rủi ro pháp lý nên xin chuyển công tác. Càng về sau, Tổng thầu càng khó khăn trong việc đảm bảo, duy trì nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm tiến độ, đấu thầu, mua sắm.

Trước tình hình trên, PVN đã đưa ra 3 phương án đối với việc thực hiện Hợp đồng EPC: Tiếp tục triển khai Hợp đồng EPC với PVC; Chấm dứt Hợp đồng EPC với PVC và lựa chọn, ký kết hợp đồng với PVC; Cắt giảm các công việc còn lại của PVC.

Qua phân tích, PVN cho rằng các phương án đều tiềm ẩn các khó khăn và rủi ro. PVN khẳng định, hiện tại phương án tiếp tục với PVC là lựa chọn bắt buộc với chủ đầu tư.

Đứng trước một loạt khó khăn, PVN đã đưa ra một loạt các kiến nghị như cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án: tổ máy 1 vào tháng 6/2019; tổ máy 2 vào tháng 9/2019.

PVN cũng đã kiến nghị cho phép miễn phạt hợp đồng với điều kiện PVC nỗ lực hoàn thành Dự án theo tiến độ điều chỉnh đã cam kết. Ngoài ra, PVN kiến nghị chấp thuận chủ trương để Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ocean Bank giải toả số dư tiền gửi của PVC (82 tỷ đồng) và đơn vị thành viên đang thi công tại Dự án là PVC-IC (45 tỷ đồng) đang bị phong toả để dùng cho dự án. Đồng thời cho OeacnBank/PVN tiếp tục gia hạn đến năm 2021 đối với hợp đồng cho vay uỷ thác đã ký kết vào năm 2011 để PVC tập trung nguồn lực cho dự án...

Được biết, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỷ đồng (1,2 tỷ USD đội vốn thêm 6.000 tỷ đồng), thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-TTg, ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này cũng từng là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý. Liên quan tới sai phạm tại dự án này, nhiều lãnh đạo bao gồm: ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Lê Đình Mậu - nguyên Kế toán trưởng PVN, Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban dự án Thái Bình 2, Trần Văn Chương - kế toán trưởng Thái Bình 2… đã bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử.

Nguyễn Khánh

Khó khăn chồng chất ở dự án tỷ đô Thái Bình 2, PVN lên tiếng kêu cứu - 2