“Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 7%”

Đưa ra dự báo trên về triển vọng kinh tế năm 2008, TS. Võ Trí Thành cho rằng, mục tiêu của Chính phủ trong những tháng cuối năm vẫn nên là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

TS. Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nói: Trong thời gian qua, chúng ta đã cải thiện được rất nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô như: lạm phát theo tháng, nhập siêu theo tháng giảm dần, thanh khoản ngân hàng tốt hơn, áp lực cán cân thanh toán quốc tế giảm…

Tuy nhiên, nhìn chung, tình hình kinh tế vẫn còn nhiều thách thức với nhiều bất ổn vĩ mô: lạm phát tính theo năm vẫn khá cao, lòng tin của công chúng, của nhà đầu tư vẫn còn bấp bênh.

Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, cơn bão khủng hoảng tài chính chưa đến hồi kết thì những rủi ro phát sinh đối với một nền kinh tế đầu tư thương mại và bước đầu mở cửa các luồng tài chính là rất cao.

Vậy theo ông, thách thức để ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là gì?

Thách thức trong ổn định kinh tế vĩ mô là khá nhiều. Đối với lạm phát thì còn rất nhiều rủi ro như: giá cả thế giới, cách ứng xử chính sách, các biện pháp kiểm soát giá, áp lực đòi tăng lương… sẽ là những hiệu ứng không tốt đối với lạm phát.

Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cũng phải chịu áp lực từ cán cân thanh toán quốc tế. Tuy rằng, thậm hụt thương mại khá cao nhưng tổng thể thì chúng ta vẫn có thặng dư. Nhưng trong điều kiện hiện nay thì việc huy động vốn từ môi trường bên ngoài là khó khăn hơn rất nhiều, kể cả vốn FDI, vốn vay thương mại và vốn đầu tư gián tiếp…

Một thách thức nữa liên quan đến hệ thống tài chính, ngân hàng, đó là, trong bối cảnh hiện nay thì thị trường vốn Việt Nam vẫn phát triển không ổn định, đòi hỏi phải có những nỗ lực để hoàn thiện hơn về nền tảng. Ngoài ra, vấn đề nợ xấu và quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế…

Nói tóm lại, dù đã có nhiều chỉ số được cải thiện, nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần phải được đặt lên hàng đầu.

Chưa nên nới lỏng chính sách vĩ mô

Hiện nay nhiều nước Châu Á đã bắt đầu nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô. Vậy, theo ông, Việt Nam có nên thực hiện theo hướng này không?

Đúng là hiện nay, một số nước Châu Á đang có xu hướng nới lỏng chính sách vĩ mô của mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều nước đang đắn đo giữa các chính sách ổn định thị trường tài chính sau những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.

Đồng thời, họ cũng đang phải lựa chọn một sự cân đối nào đấy giữa chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bước đầu thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, câu chuyện nới lỏng hay chưa nới lỏng thì còn phải tùy thuộc vào tình hình, đặc điểm của mỗi nước.

Do vậy, ở Việt Nam cần phải theo dõi sát tình hình, và trong ngắn hạn, ít nhất là hết năm nay thì chưa nên nới lỏng chính sách mà cần phải chú ý vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với an sinh xã hội và hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng.

Chỉ đến khi nào lạm phát dần ổn định và có chiều hướng giảm thì chúng ta có thể bắt đầu nới lỏng chính sách vĩ mô, nhưng phải rất thận trọng bởi áp lực ổn định vĩ mô và tăng trưởng.

Nếu chúng ta nới lỏng quá sớm thì những cố gắng trong thời gian qua sẽ trở thành vô nghĩa, nhưng nếu không bám sát tình hình đang “ấm” lên mà vẫn thắt chặt quá mức mà không kịp thời điều chỉnh theo hướng nới lỏng thì rất có thể sẽ gây ra sự đổ vỡ xã hội.

Do vậy, thời điểm hiện nay là thời điểm khá nhạy cảm. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta vẫn có đầy đủ những điều kiện để vượt qua khó khăn.

Nền kinh tế sẽ dần ổn định

Vậy, theo ông, liệu chúng ta có đạt được mục tiêu  tăng trưởng từ 6,5% -7% trong năm nay như Chính phủ dự tính?

Chính vì vậy, theo dự báo mới nhất của chúng tôi, dựa trên số liệu cập nhật kinh tế vĩ mô của Việt Nam đến tháng 9, năm nay tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt ở mức 6,5% -6,6%, lạm phát khoảng trên dưới 25%. Còn mức 7% thì khó có thể đạt được.

Những dự báo này nói lên rằng, Việt Nam cần phải tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới rất phức tạp và suy thoái toàn cầu có nguy cơ nghiêm trọng hơn.

Vậy theo ông, kinh tế Việt Nam trong năm 2009 sẽ diễn tiến theo chiều hướng nào?

Có thể chúng ta sẽ đón nhận năm 2009 không phải là với những  niềm vui ngập tràn như đầu năm 2007. Hiện nay, chúng ta đang  đứng trước hai vấn đề, đó là: mặc dù có những tín hiệu được cải thiện nhưng những rủi ro vẫn có thể phát sinh và mức độ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn khá cao.

Còn dưới góc độ vi mô thì nhiều vấn đề mới phát sinh cũng trở nên “nặng nề” hơn, ví dụ như các vấn đề an sinh xã hội, việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh…

Bên cạnh đấy, kinh tế thế giới cũng đang bước vào một giai đoạn đầy thử thách, khủng hoảng tài chính, tiền tệ đang ở mức báo động, các biến động về giá cả vẫn khó lường. Đặc biệt, trong các dự báo gần đây, nhìn chung kinh tế thế giới năm 2009 sẽ giảm so với năm 2008.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá bi quan bởi, so với nhiều nền kinh tế khác thì kinh tế Việt Nam 2009 vẫn được dự báo là có mức tăng trưởng xấp xỉ năm 2008.

Đó là một mức tăng trưởng có thể chấp nhận được so với mức chung của khu vực và thế giới. Điều quan trọng là các chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá, nếu Việt Nam điều hành tốt kinh tế vĩ mô thì nền kinh tế sẽ dần ổn định hơn, dù lạm phát vẫn có thể ở mức 12% -13%.

Theo Từ Nguyên
VnEconomy