Khi "thượng đế"... quậy trên máy bay

Say rượu, hút trộm thuốc hay điện thoại trên tàu bay... đã biến nhiều hành khách trở thành mối nguy hiểm, đe dọa an ninh, an toàn cho cả chuyến bay và sinh mạng của hàng trăm người khác.

Thiếu văn hóa đi tàu bay: Bị phạt!

Nếu chuyện cãi nhau, gây gổ ngoài đường hay hút thuốc ở nơi bị cấm... vẫn xảy ra đâu đó thường ngày thì ở trên tàu bay những điều này tuyệt đối bị cấm. Những khách cố tình vi phạm, hoặc vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết đều phải đối mặt với “án phạt” vi phạm hành chính từ 500 ngàn đồng tới hàng chục triệu đồng.
 
Khi "thượng đế"... quậy trên máy bay - 1

Thông điệp không hút thuốc được phát trên máy bay (Hình chỉ mang tính minh họa)

Ông Nguyễn Trọng Thắng, Chánh Thanh tra Cục Hàng không VN cho biết, ngành Hàng không có các quy định rõ ràng để đảm bảo an ninh, an toàn ở mức cao nhất. Theo Luật Hàng không và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, có nhiều hành vi không được thực hiện trên tàu bay như: Hút thuốc sai quy định; điện thoại hoặc sử dụng các thiết bị có thể thu, phát sóng khi không được phép; tự ý sử dụng thiết bị trên tàu bay không theo hướng dẫn; vi phạm trật tự, kỷ luật trong máy bay; đe dọa nhân viên hàng không đang thực hiện nhiệm vụ, đe dọa hành khách, thành viên tổ bay...

Đáng tiếc là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hàng không còn hạn chế, nhiều hành khách đi tàu bay nhưng không biết mình phải tuân thủ những quy định gì nên số vụ việc vi phạm đang có dấu hiệu gia tăng.

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Phòng An ninh, Cục Hàng không VN cho biết: 6 tháng đầu năm nay đã xảy ra 155 vụ vi phạm an ninh hàng không, trong đó có 9 trường hợp mang vũ khí theo người, hành lý; 5 trường hợp sử dụng giấy tờ giả; 10 vụ khách gây rối, tung tin có bom gây thiệt hại lớn cho hãng hàng không và tổn hại đến quyền lợi của nhiều hành khách khác. Đặc biệt, trong vài tháng qua đã xuất hiện những vi phạm có tính chất phức tạp, khó xử lý do đối tượng vi phạm cố tình không thừa nhận hành vi, không trung thực và có biểu hiện manh động.

Say rượu ném đồng hồ vào đầu người khác

Chuyện hành khách say rượu quậy phá tại sân bay không phải là hiếm nhưng lên đến tàu bay còn gây rối, hành hung tiếp viên thì quá sức... chịu đựng. Một tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines kể lại: Ngày 1/6/2011, trên chuyến bay từ Australia về TP.HCM, một hành khách người Australia có biểu hiện say rượu không chịu ngồi xuống ghế.

Tiếp viên đến yêu cầu khách giữ trật tự, ổn định chỗ ngồi thì bị khách hành hung. Một hành khách khác đi ngang qua cũng bị vị đệ tử lưu linh này tấn công. Thậm chí, ông ta còn tháo đồng hồ đeo tay ném vào đầu người ngồi gần đó.

Tiếp viên trưởng chuyến bay phải thông báo tình hình trấn an hành khách, đồng thời nhờ mọi người hỗ trợ để khống chế, trói tay vị khách quá chén. Cảng vụ Hàng không miền Nam đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng với hành khách gây rối này.

Đồng ý trả tiền để được hút thuốc

Ông Nguyễn Khắc Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific cho biết trên các chuyến bay của hãng, nhiều hành khách vẫn vi phạm các quy định an ninh, an toàn. Đặc biệt nguy hiểm là các hành vi hút thuốc, gọi điện thoại, xé áo phao và mở cửa thoát hiểm tàu bay.

Theo tiếp viên của hãng, tình trạng khách hút thuốc trên chuyến bay vẫn rất phổ biến. Tiếp viên phải nhắc suốt, thậm chí còn khuyến cáo về mức phạt bằng hệ thống phát thanh trên chuyến bay. Tuy nhiên, khách vẫn hút trộm trong phòng vệ sinh, vứt tàn thuốc vào hộp đựng rác. Điều này rất nguy hiểm vì có thể gây cháy nổ. Theo lời kể từ tiếp viên của hãng: Mức phạt tối đa cho hành vi này chỉ là 1 triệu đồng là quá nhẹ, có khách đòi trả 1 triệu đồng để được... hút thuốc trên tàu bay.

Một hành vi vi phạm phổ biến không kém việc hút thuốc là gọi điện thoại trên tàu bay. Theo chuyên viên của Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay, việc sử dụng các thiết bị thu phát sóng khi tàu bay cất hạ cánh có thể gây nhiễu các tín hiệu điều khiển, ảnh hưởng trực tiếp tới tàu bay, có thể xảy ra sự cố.

Tuy nhiên, hành khách rất coi thường điều này dù tiếp viên liên tục nhắc nhở. Có khách vừa gọi cố cuộc gọi cuối cùng trước khi tắt máy vừa đùa tiếp viên: “Anh gọi xong thì nộp phạt” (!?).

Nói đùa kỳ quái

Mặc dù báo chí liên tục đưa tin xử phạt và hậu quả từ việc nói đùa có bom trên tàu bay, tại sân bay nhưng không hiểu sao đến giờ này vẫn các hành vi như vậy vẫn liên tục tiếp diễn.

Điều đặc biệt là đối tượng vi phạm không chỉ là những người thiếu hiểu biết, ít thông tin. Danh sách bị phạt vi phạm hành chính có người là trung tá lực lượng vũ trang, có người là chuyên viên bom mìn của quân đội, người là doanh nhân thành đạt.

Kiểu nói đùa vô thưởng vô phạt đó, cố tình trêu đùa tiếp viên cũng có nhưng đáng trách là kiểu đùa để thể hiện “ta đây” kiểu “đừng động vào túi của tôi, coi chừng nổ đấy”, “em ơi, kiểm tra thằng kia có bom đó”, “anh mang bom này”... Kiểu đùa đáng trách này gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng bởi theo thông lệ quốc tế với hoạt động hàng không, việc tiếp nhận thông tin có bom không phân biệt là đùa hay thật. Đều phải được xử lý thận trọng và kỹ càng như nhau. 6 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Phòng An ninh, Cục Hàng không VN đã có tới 7 vụ khách tung tin có bom, trong đó có 3 vụ bị xử phạt trong khung từ 10 đến 15 triệu đồng.

 Việt Nam không để xảy ra uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh hàng không

Ông Nguyễn Văn Linh, Trưởng Phòng An ninh, Cục Hàng không VN cho biết, kết quả thanh tra an ninh hàng không toàn cầu vòng 2 của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tại Việt Nam năm 2010 cho thấy, Việt Nam đạt mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn về an ninh của ICAO là 75,09% cao hơn mức bình quân chung 64,66% của 95 quốc gia được thanh tra. 6 tháng đầu năm 2011, ngành Hàng không đã nỗ lực trong công tác bảo đảm an ninh, không để xảy ra các vụ uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh cả trên không và mặt đất, đảm bảo an ninh cho các chuyến bay.

Trước tình trạng gia tăng các vụ gây rối, nói đùa có bom, tới đây, Cục sẽ rà soát và xây dựng sửa đổi quy trình thông tin, đánh giá và xử lý khi có hành khách gây rối, đưa tin có bom để xử lý kịp thời và hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu thiệt hại và chậm trễ chuyến bay. Các cán bộ có liên quan sẽ được tập huấn phương pháp, kỹ năng xử lý.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về an ninh hàng không với nhiều hình thức thích hợp.

Theo Nam Anh
Báo GTVT