Khi quảng cáo “nổ” là chính

Người tiêu dùng nhiều khi bị tung “hỏa mù” bởi chất lượng thực tế của sản phẩm không giống như trong quảng cáo. Làm thế nào để người tiêu dùng phân biệt được chất lượng thực của sản phẩm so với quảng cáo?

 

Khi quảng cáo “nổ” là chính - 1


 

Loạn đầu vì quảng cáo!

 

Trong lĩnh vực thực phẩm, có lẽ phổ biến nhất ở khoản “quảng cáo nổ” chính là thực phẩm chức năng. Mới xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng 2002 nhưng thị trường này ngày càng phong phú với đủ chủng loại từ ngoại nhập đến hàng trong nước, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của các sản phẩm thực phẩm chức năng. Đáng lưu ý, loại nào cũng mạnh dạn quảng cáo trị bách bệnh, trị từ ung thư cho tới viêm gan, suy dinh dưỡng, tiêu mỡ, giảm béo, da trắng dáng xinh...

 

Cũng giống như thuốc, đa số thực phẩm chức năng được sản xuất thành viên nhộng, được trình bày dạng rời đựng trong chai, lọ hoặc đóng vỉ... Nếu người bán không nói đó là TPCN thì người mua khó mà phân biệt được đây là “thuốc” hay “thực phẩm chức năng”. Chính vì thế nhiều sản phẩm đăng ký lưu hành dưới tên gọi là thực phẩm chức năng đã được quảng cáo thổi phồng, hớp hồn người tiêu dùng, không ít người lầm tưởng là biệt dược, thậm chí là thần dược.

 

Không quá khó để tìm thấy những lời quảng cáo ngất trời về tác dụng phòng và trị bệnh tiểu đường trên một số loại thực phẩm chức năng đang được bày bán ở siêu thị, cửa hàng dược phẩm với giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Phổ biến nhất phải kể đến những sản phẩm được giới thiệu chế biến từ tảo xoắn, trái nhàu cung cấp hàng trăm chất dinh dưỡng cần cho cơ thể, có thể chữa bệnh béo phì, viêm khớp, tiểu đường, ung thư; cải thiện khả năng tình dục, tiểu đường, trị loãng xương, viêm khớp, đái tháo đường, thậm chí chữa cả HIV... Thế nhưng, theo giới chuyên môn, đến thời điểm này, cả thế giới và Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu nào cho thấy uống nước ép từ trái nhàu, tảo xoắn có tác dụng phòng và trị bệnh tiểu đường, chưa nói đến trị bách bệnh như quảng cáo!

 

Thực tế không ít loại thực phẩm chức năng đã bị Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tuýt còi vì quảng cáo... quá lố. Thế nhưng vì mức xử phạt còn quá thấp, hơn nữa việc phối hợp giữa đơn vị phát hành quảng cáo với cục (AT&VSTP) chưa chặt chẽ nên cũng chưa đủ sức răn đe. Còn người tiêu dùng chỉ vì thiếu thông tin, không ít người đã bỏ cả đống tiền ra để mua “thần dược” về dùng thử, nhưng kết quả chẳng thấy “kì diệu” hay “bất ngờ” mà rốt cục tiền mất tật mang. Xót xa hơn là trong số đó có cả những bệnh nhân nghèo vì tin theo “thần dược” mà chắt bóp từng đồng xu những mong thoát khỏi cơn hiểm nghèo, cứu vãn được sự sống, nào ngờ đã khốn khổ vì bệnh tật nay lại càng thêm khốn đốn.

 

Ngay cả với các sản phẩm dinh dưỡng ăn kiêng xuất hiện ngày càng nhiều, người dân cũng bị tù mù khi đứng trước cả rừng sản phẩm được quảng cáo trên trời. Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý cách quảng cáo và công bố tác dụng sản phẩm chung chung mà không có chứng minh khoa học có thể có hại cho người tiêu dùng. Bởi người ăn kiêng bệnh lý phải có chế độ dinh dưỡng đặc biệt, nếu sử dụng thực phẩm ăn kiêng mà không hiểu biết, có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng vi chất.

 

Quảng cáo lập lờ, người dân lãnh đủ

 

Khi quảng cáo “nổ” là chính - 2


Một loại sản phẩm khác cũng xuất hiện dày đặc trên các trang quảng cáo cũng như các kênh truyền hình liên tục “dội bom” người xem là các sản phẩm hạt nêm. 2 năm trước đây, sự kiện hạt nêm C. thực hiện một kế hoạch PR rầm rộ cho sản phẩm “hạt nêm C. không có bột ngọt”, nhưng trong thành phần sản phẩm lại có 2 chất điều vị So-di-um Gu-a-nilte ký hiệu 627 và So-di-um I-no-si-nate 631, thực chất là siêu bột ngọt!

 

Hay một sản phẩm khác được quảng cáo với khẩu hiệu hấp dẫn là “ngon từ thịt, ngọt từ xương”, hay sản phẩm khác rêu rao được làm từ thịt thăn xương ống...thực ra cũng chỉ chứa vài phần trăm bột thịt, còn lại chủ yếu là muối, đường, chất điều vị có tác dụng tạo ngọt, rồi đem  quảng cáo “quá lời”.

 

Dạo qua một vòng thị trường phụ gia thực phẩm, bên cạnh mì chính, bột ngọt - những thứ phụ gia không thể thiếu trong bếp ăn mỗi gia đình, các sản phẩm hạt nêm cũng đang ngày càng phổ biến. Từ những sản phẩm hạt nêm bình thường đến hạt nêm cao cấp, từ những hạt nêm được quảng cáo chiết xuất từ xương ống và thịt hầm, hay sườn non, thịt thăn, hạt sen tươi... trong thành phần của chúng đều có điểm chung là chứa bột ngọt (chất điều vị 621, 627, 631).

 

Theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn thực phẩm, thuộc Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam, bột thịt có trong hạt nêm thường được nhà sản xuất nghiền ra từ thịt sấy khô chứ không phải từ nước hầm xương ống và thịt thăn. Vả lại, trong nước hầm xương ống có rất nhiều chất béo do tủy tiết ra nên khi cô đặc lại sẽ dễ bị ôi thiu kể cả trong môi trường chân không. Trên thực tế không có việc sản xuất hạt nêm từ nước hầm xương ống và thịt thăn như quảng cáo.

 

 PGS.TS Phan Thị Sửu dẫn chứng cụ thể bằng sản phẩm hạt nêm từ thịt K. quảng cáo rầm rộ trong thời gian qua và nhiều người đang sử dụng: “Nếu nhìn vào nhãn của nhà sản xuất đã công bố thì chúng ta cũng thấy được trong đó chỉ có 1,8% thịt, còn lại là những chất như mì chính, mô-nô nát ri- gờ lu ta hoặc là 2 chất siêu ngọt khác, ngọt gấp 50 lần mì chính là nat-ri-gu-an-ni-lát và nát-ri-i-rô-si-nát, làm cho vị của sản phẩm trở nên rất ngọt, người tiêu dùng không biết thì cứ tưởng là ngọt từ xương thịt.

 

Trong khi đó, theo một số nghiên cứu, trong các loại hạt nêm phổ biến trên thị trường hiện nay, tỉ lệ bột ngọt dao động ở mức cao từ 27,03%-34,43%. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đều không công bố rõ chỉ tiêu này, vì ngại người tiêu dùng, trong đó có nhiều người dị ứng với bột ngọt, sẽ không sử dụng sản phẩm.

 

Giới chuyên môn cho rằng, bột ngọt là một phụ gia thừa nhận được thêm vào để có tác dụng gia tăng khẩu vị và là chất có trong danh mục các chất phụ gia được phép dùng trong thực phẩm. Theo quy định, nếu sử dụng bột ngọt trong sản phẩm phải ghi rõ. Với kiểu lập lờ, không rõ ràng trong quảng cáo, việc in nhãn và quảng cáo này đã đánh trúng tâm lý của nhiều bà nội trợ không thích dùng bột ngọt, ngộ nhận về công dụng của hạt nêm.

 

Làm gì trước “bão” quảng cáo?

 

Khi quảng cáo “nổ” là chính - 3


Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua sản phẩm nên tham khảo các thành phần hóa học ghi trên bao bì. Thế nhưng thực tế kể cả khi đọc kỹ bao bì thì chưa chắc người tiêu dùng đã hiểu hết được các ký hiệu chất điều vị 627 (tên khoa học là “disodium guanylate”) và 631 (tên khoa học “disodium inosinate”) - hai chất được dùng phổ biến trong các loại hạt nêm là gì.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Theo các tài liệu khoa học thì chính chất điều vị 627 và 631 là chất siêu ngọt có độ ngọt gấp 10 đến 15 lần bột ngọt thông thường..., cứ nói đến 2 chất này, những người làm công nghiệp thực phẩm đều biết ngay rằng đó là chất siêu ngọt”. Đây là những chất được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thực phẩm, Tổ chức y tế, Nông lương thế giới cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp về bột ngọt và khuyến cáo đây là chất an toàn, không độc hại. Vấn đề còn lại chỉ là quảng cáo sản phẩm từ thịt, từ xương, từ nấm, từ rong biển mà chỉ có tý ty những thứ này thì khác gì đánh lừa người dùng. Do đó, bà Lâm cho rằng, nếu có bột ngọt hay siêu bột ngọt thì cứ nên công khai là có.

 

Nếu đứng ở góc độ chuyên môn, dễ nhận thấy ngay rằng đây chỉ là một trong những chiêu thức quảng cáo tinh vi, phóng đại tác dụng thực của sản phẩm để lôi kéo khách hàng. Chẳng những hạt nêm, thực phẩm chức năng,... mà nhiều sản phẩm khác trên thị trường cũng đang được thổi phồng. Trong một rừng thông tin quảng cáo như hiện nay, nếu không đủ tỉnh táo chính người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.

 

Thiết nghĩ, việc quảng cáo không trung thực, nói quá về tác dụng sản phẩm cần phải được nhìn nhận, xem xét nghiêm túc, tránh gây những hiểu nhầm và ngộ nhận đáng tiếc ở người bệnh. Về phía người tiêu dùng, cũng cần phải sáng suốt hơn để lựa chọn và tiếp nhận những thông tin đáng tin cậy, hay cụ thể hơn là phải cảnh giác trước những hình thức quảng cáo nói trên, để tránh bị “cuốn theo những niềm tin không có thực”, rồi sau đó lại giật mình vì bị mắc lừa.

 

Theo Ngọc Anh

Sức khỏe & An toàn thực phẩm