Khi Putin cần tới Abramovich
Lần đầu tiên trong "kỷ nguyên Abramovich," câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea thông báo có lãi trong năm tài khóa vừa qua.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Đây là mức chênh lệch lớn nhất sau khi cân đối sổ sách của đội bóng thành London kể từ khi tỷ phú Nga Roman Abramovich trở thành ông chủ của sân Stamford Bridge 11 năm về trước.
Trong làn sóng các tỷ phú Nga đổ sang Anh sinh sống, Abramovich gần như là người đầu tiên đổ tiền vào đầu tư bóng đá, thứ thường chỉ ngốn tiền thay vì sinh lợi nhuận.
Tính ra, Abramovich đã đổ ra cả tỷ bảng để biến Chelsea từ một đội bóng 50 năm không biết đến chức vô địch trở thành câu lạc bộ hùng mạnh nhất không chỉ của nước Anh mà của cả thế giới.
Nhưng ai cũng biết, Chelsea chỉ như một món đồ chơi của Abramovich, nổi lên nhờ dầu mỏ sau đợt quốc hữu hóa các tài sản nhà nước thời hậu Xô viết, người đã nhiều năm liền đứng trong top những người giàu nhất nước Nga cũng như xứ sở sương mù.
Có Chúa mới biết hoạt động đầu tư vào bóng đá là sở thích cá nhân hay nhằm che đậy mục đích nào khác, song Abramovich tỏ ra khôn ngoan hơn những người đồng hương cùng sinh sống ở London.
Chẳng hạn như Boris Berezovski, từng là bạn rồi là kẻ thù của Abramovich, từng lôi nhau ra tòa kiện cáo trước khi đột tử một cách bí ẩn cách đây hai năm.
Nếu như Berezovski cho tới lúc nhắm mắt vẫn không biết lúc nào mới có cơ hội trở về đất mẹ thì Abramovich được coi là đồng minh thân cận của các ông chủ điện Kremlin, từng có mặt trong lễ nhậm chức của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng cũng chính vì thế mà trong thời điểm Putin lao đao vì giá dầu tụt xuống mức thấp khủng khiếp, cộng với lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây do can thiệp vào tình hình Ukraine, Abramovich như ngồi trên đống lửa. Abramovich giàu vì dầu và cũng lao đao vì dầu, như một lẽ tất yếu.
Theo kênh tài chính Bloomberg, Abramovich cũng đã mất tới 450 triệu USD vì đồng rúp sụt giá chỉ trong vòng 48 giờ hồi đầu tuần trước. Đồng tiền của nước Nga đã rơi xuống mức thấp nhất trong suốt hơn một thập kỷ do giá dầu sụt giảm, và theo ước tính của Bloomberg thì đã có khoảng 10 tỷ USD của các tỷ phú Nga "bốc hơi" trong đợt đại khủng hoảng này.
Người thiệt hại nhiều nhất là địch thủ của Abramovich trên sân cỏ ở London, tỷ phú gốc Uzbekistan Alisher Usmanov, cổ đông chính của Câu lạc bộ Arsenal. Usmanov, sở hữu 30% cổ phần của Arsenal, đã mất tới 809 triệu USD.
Tuy vậy, con số thất thoát đó dù sao cũng không đáng là bao so với số tài sản kếch sù của những "soái Nga ở London" nói trên. Usmanov chính là người giàu nhất nước Anh trong năm qua, với tổng tài sản trị giá khoảng 13,4 tỷ USD, nhiều hơn một chút so với Abramovich, xếp thứ ba với 12,8 tỷ USD.
Cả hai đều đã nhanh chân chuyển tiền ra nước ngoài, biến đồng rúp thành đô la hoặc bảng Anh. Họ cũng đã tránh khỏi số phận hẩm hiu như người một thời là tỷ phú giàu nhất nước Nga Mikhail Khodorkovski, cựu chủ tịch Hãng Dầu mỏ Yukos, người từng bị cầm tù 10 năm trước khi được Putin ân xá hồi năm ngoái.
Khodorkosvki gặp vận hạn vì dám thách thức quyền lực của Putin. Abramovich và Usmanov thì ngược lại. Nhưng giờ, khi ông chủ điện Kremlin nguy khó thì Abramovich có trách nhiệm phải đem ngoại tệ về giải cứu điện Kremlin, như một "nghĩa vụ với Tổ quốc".
Kênh truyền hình Nga RT, vũ khí đối ngoại của Putin, cho biết tỷ phú Usmanov đã mang cổ phần trong tài sản quan trọng của mình ở Hãng Viễn thông Megafon và Tập đoàn Khai khoáng Metalloinvest trở về Nga.