1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Khi ông chủ hủ tiếu rao bán franchise

Gần hai tháng qua, tại tiệm hủ tiếu 97 Huỳnh Mẫn Đạt (TPHCM) có treo thông báo: “Đối tác nào muốn mua franchise (quyền thương mại) thương hiệu hủ tiếu Nam Vang TyLum xin vui lòng liên hệ...”. Xem ra những người kinh doanh nhỏ lẻ đang bắt đầu tập làm ăn lớn.

Chuỗi cửa hàng hủ tiếu Nam Vang TyLum

Tô hủ tiếu Nam Vang khá quen thuộc với người Sài Gòn thật ra là của người Tiều (Trung Hoa) nhưng đã được những người Tiều sống tại Nam Vang khuếch trương từ năm 1920, nên mới có tên hủ tiếu Nam Vang.

Tại Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang TyLum do ông chủ người gốc Campuchia trực tiếp đứng nấu được khá nhiều người biết đến. “Tin rằng thương hiệu hủ tiếu Nam Vang TyLum đã được khách hàng biết đến qua mấy chục năm trời nên khi có người gợi ý bán quyền thương mại là tôi đồng ý ngay” - ông TyLum, chủ thương hiệu hủ tiếu Nam Vang TyLum, nói.

Đối tác của ông là Công ty SmartSo, vốn là nhà cung cấp mặt hàng nước xơ dinh dưỡng cho tiệm hơn ba năm qua. SmartSo đề nghị mua lại thương hiệu độc quyền của TyLum, sau đó sẽ nhượng cho các đối tác muốn kinh doanh theo mô hình của TyLum. Hiện hợp đồng giữa TyLum với SmartSo đang trong giai đoạn thương thảo...

Xung quanh việc bán franchise, ông TyLum cho biết sẽ đưa ra một số điều kiện để sau này khi phát triển được hệ thống hủ tiếu Nam Vang TyLum thì vẫn giữ được những nét tinh túy của tô hủ tiếu mà thời gian qua đã được thực khách chấp nhận.

Ông TyLum cho biết sẽ “đòi” quyền được kiểm tra đột xuất chất lượng của tô hủ tiếu vào bất cứ lúc nào, ở bất kỳ tiệm nào đã nhận nhượng quyền từ SmartSo. “Tôi sẽ chấm dứt ngay hợp đồng nếu phát hiện tiệm nào tự ý thêm nước vào nồi nước dùng mà tôi đã qui định định lượng vì làm thế là phụ lòng tin của thực khách” - ông nói.

Ông cũng “đòi” quyền xem địa điểm của người muốn nhận nhượng quyền có phù hợp với việc kinh doanh 24/24 giờ. “Bán ngày mà không bán được, ban đêm thì không cách chi xoay kịp vòng vốn, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu” - ông TyLum nói.

Tập tễnh franchise

Ông Đỗ Triều Hưng, giám đốc Công ty SmartSo, cho biết đã phác thảo kế hoạch kinh doanh. Theo đó, sau khi mua franchise từ ông TyLum, nơi này sẽ nhượng quyền thương hiệu TyLum lại cho các đối tác khác trong vòng ba năm. Người mua sẽ phải trả hai khoản phí: 7.000 USD khi ký hợp đồng và hằng tháng phải trả thêm 7 triệu đồng, trừ ba tháng đầu mới hoạt động.

Sau hai năm kể từ khi chấm dứt hợp đồng, người mua không được mở tiệm hủ tiếu tại địa điểm vừa kết thúc hợp đồng. Toàn bộ nguồn cung cấp nguyên vật liệu, cách thức quản lý sổ sách, cách nấu, nhân viên phục vụ... của các đối tác nhận nhượng quyền sẽ được hướng dẫn và đào tạo tại cơ sở chính của TyLum. Tuy nhiên, TyLum vẫn giữ bí mật của mình khi “độc quyền” cung cấp hũ nước nêm tạo ra hương vị riêng cho tô hủ tiếu Nam Vang TyLum...

Còn nhiều khó khăn cho cả ông TyLum và Công ty SmartSo khi cả hai đều “amatơ” nhưng vẫn dám bước vào một loại hình kinh doanh hoàn toàn mới. Ông TyLum cũng đã làm thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu và chờ ngày được cấp giấy. Ngay giám đốc SmartSo cũng thừa nhận đang thí điểm.

Trước mắt, SmartSo đầu tư một cửa tiệm để rút kinh nghiệm cho các lần chuyển giao sắp tới. Ngay cả bên bán franchise là ông TyLum cũng xem tiệm của SmartSo như là nơi để ông có thể “tập dượt” các công đoạn chuyển giao của mình.

“Buôn bán theo kiểu gia đình lâu nay đã ngấm quá sâu rồi, nay phải thay đổi cho chuyên nghiệp hơn không phải là chuyện đơn giản” - ông TyLum nói.

Kế hoạch đã vạch ra, hiện ông TyLum và SmartSo đang thuyết phục các đối tác tin, hiểu và có thể chấp nhận kinh doanh theo phương thức nhượng quyền. “Sẽ khó khăn đấy vì nhiều người vẫn chưa hiểu về phương thức kinh doanh nhượng quyền, đặc biệt là khoản phí phải trả” - ông Hưng cho biết.

Theo ông Lý Quí Trung, giám đốc điều hành Nam An Group, trên thế giới có những hệ thống nhượng quyền rất nổi tiếng nhưng rồi... từ từ thất bại vì không quan tâm đến “bảo trì”. Bảo trì ở đây là giám sát, quản lý, kiểm tra, kiểm soát sau khi đã nhượng quyền để chuỗi cửa tiệm trong hệ thống nhượng quyền vận hành một cách đồng nhất về mọi mặt, trong đó chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất.

 

“Cái lời lớn nhất của người nhượng quyền là được tiếng thơm cho thương hiệu, chứ không phải là số tiền có được từ sự nhượng quyền. Thà chấm dứt hợp đồng chứ không bao giờ thỏa hiệp, dễ dãi với bên nhận nhượng quyền vì như thế sẽ làm hỏng thương hiệu”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo Trần Vũ Nghi
Báo Tuổi trẻ