Khi nông dân Việt ra nước ngoài dạy trồng cây

Chỉ sau khoảng 10 năm trồng rừng, không ít bà con nông dân địa phương nhiều tỉnh miền Trung đã trở thành những tỷ phú. Có nông dân giỏi còn được tổ chức quốc tế mời ra nước ngoài để dạy cách trồng rừng.

Xuất ngoại dạy cách trồng rừng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Nhìn khuôn mặt sạm đen, dáng vẻ chất phác của người nông dân như ông Hồ Đa Thê (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), nếu không được biết thêm về thu nhập của ông hàng năm lên tới trăm triệu đồng chắc không ai nghĩ ông là tỷ phú.

Dắt đoàn tham quan tới khu rừng của mình đang trồng với ngút ngàn cây xanh, ông Thê cho biết, trồng rừng thực sự đã giúp ông đổi đời. Từ một người dân tộc chỉ sống nhờ lên nương, chặt rừng làm rẫy, giờ ông đã trở thành một trong những chủ rừng có tiếng.

Theo ông Thê, việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giúp hầu hết nông dân trong xã yên tâm sản xuất. Hiện ông đang trồng hơn mấy chục ha rừng thương mại, trong đó chủ yếu là các giống keo có giá trị kinh tế cao.

Ước tính mỗi đợt thu hoạch, ông Thê thu nhập trung bình 80 triệu đồng/ha, sau 5 năm. Một số hộ có chứng chỉ rừng quốc tế thậm chí có thu nhập tới 200 triệu đồng/ha sau 8 năm.

Trồng rừng mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều nông dân.
 Trồng rừng mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều nông dân.

Câu chuyện người nông dân trồng rừng thoát nghèo đã trở nên rất bình thường. Giờ đây, họ còn biết tận dụng Internet để quảng bá sản phẩm và bán với giá cao hơn. Ông Thê chia sẻ: “Không như trước đây chỉ bán gỗ cho nhà máy ở địa phương, tôi còn quảng bá trên mạng để tìm kiếm nhà sản xuất mua gỗ. Có công ty ở tận Thái Lan đăng ký mua. Mỗi năm tới thời điểm thu hoạch rừng, tôi chỉ cần thông báo là có đơn vị tới tận nơi thu mua”.

Đặc biệt, những hộ dân như gia đình ông Thê bán giá cao hơn nhờ vào chứng chỉ rừng. Đây là một loại giấy chứng nhận chuẩn quốc tế cho sản phẩm gỗ, cũng giống như ISO cho các loại hàng hoá khác. Một số hàng hoá được đòi hỏi là sản phẩm của một quy trình không gây tổn hại tới môi trường, trong khi sản phẩm gỗ được đòi hỏi không xuất phát từ những khu rừng bị phá huỷ.

Không ít nông dân giỏi như ông Thê còn được tổ chức quốc tế mời ra nước ngoài để dạy cách trồng rừng.

Chuyện mua xe ô tô ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế nếu như cách đây vài năm sẽ gây xôn xao, nhưng giờ đây, với những người nông dân điều đó là hết sức bình thường. “Chúng tôi từng đói nghèo, khổ sở, không có xe mà đi, nhưng nay thì cuộc sống đã thay đổi hoàn, có xe máy, có cả xe ô tô,” ông cho hay.

Trồng rừng thương mại đã mang lại thu nhập chính cho người dân ở hơn 40 xã vùng gò đồi, miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Qua 10 năm thực hiện dự án, có 9.343 hộ tham gia trồng rừng với diện tích 13.720 ha, 8.929 hộ được hỗ trợ cấp GCN, tổng vốn vay đã giải ngân cho các hộ trồng rừng hơn 109 tỷ đồng.

Giải pháp trồng rừng bền vững

Trong 10 năm qua, từ dự án lâm nghiệp WB3 do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, 43.000 hộ dân tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An và Thanh Hóa đã được tiếp cận với các khoản vay lãi suất thấp và hỗ trợ kỹ thuật để trồng hơn 76.500 héc ta rừng.

Dự án WB3 được đồng tài trợ bởi chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, chính phủ Hà Lan, Phần Lan, Quỹ Môi trường toàn cầu và Liên minh châu Âu với tổng số tiền 100,19 triệu USD nhằm mục tiêu quản lý trồng rừng sản xuất bền vững, hiệu quả và bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo ông Phạm Quốc Chiến, Giám đốc Ban Điều phối dự án Trung ương, thông qua hỗ trợ trồng rừng, dự án đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Dự án Phát triển Ngành Lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả mạnh mẽ về kinh tế, và tác động tích cực về xã hội và môi trường cho các cộng đồng địa phương.

Nhiều vùng đất đã được phủ xanh.
Nhiều vùng đất đã được phủ xanh.

Điểm khác của WB3 so với các dự án trước đây, dự án đã hỗ trợ hoạt động đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho khoảng 35.000 hộ. Từ đó, các hộ nông dân có thể dùng sổ đỏ để vay vốn lãi suất thấp từ nguồn vốn quay vòng của dự án do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quản lý.

Theo báo cáo tổng kết, khoảng 850 ha rừng đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, xã hội và môi trường quốc tế nghiêm ngặt đã được cấp Chứng nhận quản lý rừng quốc tế trong một chương trình cấp chứng chỉ thí điểm. Giá của rừng trồng có chứng chỉ cao hơn khoảng 30% so với rừng thường cùng loại.

“Đến nay, đây là dự án đầu tiên, và cũng là dự án duy nhất ở Việt Nam sử dụng phương pháp cho vay lại trong hoạt động trồng rừng tiểu điền, là hình thức được chứng minh bền vững hơn so với phương pháp truyền thống trợ cấp hoạt động trồng rừng,” bà Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ nhiệm dự án, cho biết.

Hơn 400 km đường lâm sinh đã được xây dựng và cải tạo giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, tăng năng suất lạo động, góp phần nâng cao thu nhập và tạo thêm việc làm cho người dân địa phương. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng 86 chòi canh lửa và 102 bảng thông tin trên khắp vùng dự án để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho hay, các phương pháp sản xuất lâm nghiệp hiện đại của dự án này là một phần trong nỗ lực đổi mới ngành lâm nghiệp. Dự án thành công nhờ ba yếu tố cơ bản là giúp người dân phương pháp trồng rừng hiện đại, cung cấp tín dụng ưu đãi và đặc biệt là đảm bảo quyền đất đai để họ ưu tiên trồng rừng.

Bà Kwakwa nói rằng những bài học kinh nghiệm hay của dự án này có thể được nhân rộng, nhờ thế nhiều hộ gia đình Việt Nam sẽ được tiếp cận đến tín dụng, cũng như những phương pháp trồng rừng hiện đại.

Mặc dù dự án kết thúc vào tháng 3/2015, nhưng quỹ quay vòng do Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam quản lý sẽ tiếp tục vận hành thêm 20 năm nữa, vì vậy rất nhiều hộ gia đình sẽ được tiếp cận nguồn tín dụng này.

Theo Duy Anh
VEF

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”