Khi nông dân làm “thượng đế”

Nông thôn Việt Nam - một địa bàn rộng lớn, nơi chiếm tới 75% dân số, nhưng lại là thị trường màu mỡ "nuôi dưỡng" cho nạn hàng nhái, hàng quá đát, hàng kém chất lượng...

Nông thôn Việt Nam - một địa bàn rộng lớn, nơi chiếm tới 75% dân số, nhưng lại là thị trường màu mỡ nuôi dưỡng cho nạn hàng nhái, hàng quá đát, hàng kém chất lượng...

 

Cùng với chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa của Chính phủ và gần đây nhất là cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động, thị trường nông thôn sẽ được chú trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề làm trong sạch thị trường nông thôn, bảo vệ người tiêu dùng nông dân... đang là vấn đề nóng bỏng được không ít các tổ chức xã hội, các nhà quản lý, các doanh nghiệp và trên hết là chính những người tiêu dùng nông dân quan tâm.

 

Chúng tôi  đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam  kiêm Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam - về những vấn đề trên.

 

Chiếc “phao cứu sinh” trong khủng hoảng

 

Thưa ông!  trước đây, các doanh nghiệp mải mê đầu tư xuất khẩu rất ít quan tâm tới thị trường nội địa, có chăng chỉ chú trọng tới các thượng đế thành thị, gần đây, nhiều doanh nghiệp đã quay lại “nhìn ngó” đến người tiêu dùng ở nông thôn?

 

Đúng là nhiều năm qua, chúng ta mải mê với thành tích xuất khẩu mà gần như ít chú trọng đến tiêu dùng nội địa, đặc biệt là khu vực nông thôn. Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra, xuất khẩu gặp khó khăn thì để tồn tại, các doanh nghiệp cũng đã phải tự điều chỉnh. Cùng với chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ về phát triển thị trường nội địa, các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến người tiêu dùng trong nước và nông thôn chính là thị trường rộng lớn mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua.

 

Trước đây, nông thôn bị coi là mảnh đất “hoang hoá” với mức sống thấp, tiêu dùng hạn hẹp nên vô tình bị lãng quên bởi chính các doanh nghiệp, các nhà sản xuất. Thời gian vừa qua, nông nghiệp, nông thôn đã chứng tỏ là nơi góp phần chống suy thoái. So với thành thị hay vùng sản xuất tập trung, khu vực nông thôn dường như không bị tác động quá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. 

 

Nhiều nhận định cho rằng, đây là một “mỏ vàng” tiêu thụ sản phẩm. Ý kiến của ông như thế nào?

 

Thị trường nông thôn hiện chiếm tới hơn 75% dân số cả nước, góp hơn 60% tổng GDP. Người dân khu vực nông thôn hiện có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị. Điều đó cho thấy đây là thị trường tiềm năng, có thể coi là một chiếc “phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng và cả lâu dài. Do vậy nếu các doanh nghiệp chiếm giữ được các cứ điểm này thì chắc chắn sẽ thành công.

 

Thượng đế dễ tính, dễ bị bắt nạt

 

Nhưng thực tế không “sáng sủa” đến vậy vì thị trường nông thôn đang bị “ô nhiễm” nghiêm trọng bởi nạn hàng giả, hàng nhái, thưa ông?

 

Đúng vậy. Đây mới là điều đáng phải bàn. Một số doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “chụp giật” đã coi thị trường này như một cái “thùng rác” để “đổ” các loại hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng... Không chỉ vậy, có doanh nghiệp còn “đánh lừa” những người “cả tin” kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” để nâng giá bán của những mặt hàng kém chất lượng. Thị trường nông thôn rộng lớn, người nông dân trở thành những “nạn nhân” đáng thương cho những kiểu làm ăn bất lương.

 

Chính vì dễ tính nên họ dễ bị... “bắt nạt”?

 

Người nông dân vừa thiếu thông tin về hàng hoá và cũng không có thói quen muốn nắm thông tin vì thế mà đôi khi còn chẳng biết mình bị lừa, bị “bắt nạt” hoặc nếu biết cũng coi như là một “sự cố” chỉ để bàn bạc, than phiền, “buôn dưa lê” chứ ít khi lên tiếng đòi quyền lợi. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng hay thuốc trừ sâu giả, các mặt hàng tiêu dùng quá đát cứ “ùn ùn” kéo vào nhà họ. Một nguyên nhân khác nữa làm người tiêu dùng nông thôn bị bắt nạt là vì đa phần họ chưa ý thức được quyền lợi của mình.

 

Quy định vô lý?!

 

Ông vừa nói đến nạn phân bón giả mà người nông dân chính là nạn nhân. Thế nhưng, Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón được ban hành mới đây lại có quy định “tréo nghoe”: Nếu nông dân sử dụng phân bón giả sẽ bị phạt từ  5 - 10 triệu đồng. Ông nghĩ sao về việc này?

 

Quy định này thực sự vô lý. Người nông dân là người thiệt thòi nhất trong xã hội, chúng ta không giúp họ, bảo vệ họ sao lại bắt họ phải “giơ đầu lên máy chém” khi họ là người bị hại. Người nông dân tự dưng bị “chém” hai lần, vừa là “nạn nhân” vừa là “tòng phạm”. Nếu bảo quy định này để xử lý triệt để nạn phân bón giả thì chúng ta đang “đánh” lệch đối tượng.

 

Chúng tôi - cơ quan đại diện cho người nông dân cũng đã lên tiếng trên truyền thông, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã có ý kiến với các bộ chức năng để phản đối việc này. Tôi tin chắc rằng trước dư luận đang rất “bức xúc” hiện nay, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét lại.

 

Thượng đế “đói” thông tin

 

Lâu nay chuyện bảo vệ người tiêu dùng, quyền lợi người tiêu dùng chỉ được nhắc đến ở những khu vực đô thị. Rất nhiều người dân nông thôn không biết mình có quyền gì hay đang có một pháp lệnh bảo vệ quyền lợi cho mình. Tại sao vậy, thưa ông? 

 

Người nông dân hôm nay không đói ăn, đói mặc nhưng họ đói thông tin, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, thông tin về hàng hoá, sản phẩm, quyền lợi, khiếu nại… là một “món hàng” xa xỉ. Khi không có thông tin, họ không biết mình có những quyền gì khi mua hàng, mà nếu lâu lâu có nghe đến cũng không biết sử dụng ra sao, làm gì để đòi được quyền lợi khi gặp rủi ro. Thế nên thực tế, chúng tôi cũng chẳng mấy khi nhận được những đơn thư của người nông dân phản ánh về việc họ bị thiệt thòi trong vấn đề mua sản phẩm hàng hoá.

 

Ông có nghĩ rằng, điều đó có một phần trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam?

 

Đúng là như vậy. Những gì là thiếu sót, tôi xin nhận nhưng nhìn vấn đề cần phải từ hai phía. Chúng tôi cung cấp thông tin cho người dân cũng là điều vô cùng khó, đặc biệt có những vùng tỉ lệ người mù chữ còn rất cao. Trình độ, nhận thức của người dân ở nông thôn thấp nên nhiều khi họ khó tiếp nhận được thông tin.

 

Và Hội sẽ làm gì trước tình hình này, thưa Phó Chủ tịch?

 

Chúng tôi vẫn đẩy mạnh nhiệm vụ cung cấp thông tin cho họ thông qua các chính sách dành riêng cho người nông dân, phù hợp với trình độ của họ, vẫn tiếp tục mở rộng các kênh hỏi đáp về mọi lĩnh vực để giải quyết những thắc mắc của người nông dân. Nhưng để nâng cao trình độ nhận thức của người dân nông thôn thì việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng là công việc hết sức thiết thực.

 

Hiện thực hóa những ý tưởng bảo vệ người tiêu dùng nông dân

 

Ý ông nhắc đến sự liên kết, phối hợp với các hội khác?

 

Đúng vậy. Chúng tôi cần có tiếng nói của các hội khác, cụ thể là Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Hai hội này cũng có “qua lại” nhưng chỉ trên “hội thảo” chứ trong hành động thì thực sự chưa có chất keo kết dính nào. Điều đó dẫn đến người tiêu dùng nông thôn vẫn bị … “bỏ rơi”.

 

Nghe ông nói thì có vẻ như “sự nghiệp” bảo vệ người tiêu dùng nông thôn đang rơi vào “bế tắc”?

 

Không hẳn vậy. Sắp tới chúng tôi sẽ trình một Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2030”.

 

Ông có quá tự tin khi chỉ với một Đề án mà “tháo gỡ” được tình trạng hiện nay?

 

Tôi nghĩ Đề án này nếu được Bộ Chính trị phê chuẩn thì sẽ giải quyết được rất nhiều những tồn tại trong thị trường nông thôn và việc bảo vệ người tiêu dùng sẽ phần nào được đẩy mạnh, hiệu quả. Muốn thay đổi được bộ mặt nông thôn, làm “trong sạch” thị trường nông thôn thì chúng ta cần ổn định về luật pháp, các chủ trương, chính sách cần phải được “hiện thực hoá” ở ngay cấp cơ sở và Đề án này sẽ làm được điều đó.

 

Và đây cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 26- NQ/ TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?

 

Đúng vậy.

 

Xin cám ơn ông!

 

Hà Vân
(thực hiện)