Khi người Mỹ đi mua gạo tích trữ

Tại cửa hàng bán lẻ Costco ở San Francisco (Mỹ), người ta đang tranh nhau mua gạo. Mới chỉ 10h sáng mà số gạo thơm nhập khẩu từ Thái Lan có trong cửa hàng này đã chuẩn bị hết veo.

Trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi mở cửa, khách hàng đã mua sạch những túi gạo 50 pound (khoảng 23 kg) loại này.

Cô Mary Jane Galviso, một nhà môi giới địa ốc đến từ một vùng nông thôn ở California, mua liền hai bao - giới hạn tối đa tại cửa hàng này. Cô cho biết, ở cửa hàng thực phẩm tại chỗ cô ở đã hết gạo thơm Thái Lan để bán.

"Hạn ngạch" gạo

Trong tháng 4 này, người tiêu dùng Mỹ và các nhà hàng châu Á tại nước này đổ xô đi mua hai loại gạo cao cấp nhất có trên thị trường là gạo thơm Thái Lan và gạo thơm Ấn Độ để dự trữ. Đây là một hiện tượng chưa từng xảy ra từ sau Đại chiến Thế giới thứ 2 đến nay.

Điều này khiến nhiều cửa hàng thực phẩm ở Mỹ hết sạch gạo để bán và những một số công ty bán lẻ như Costco và Sam’s Club đã đặt giới hạn cho lượng gạo mà một khách hàng có thể mua trong một lần tới cửa hàng.

Đối với Costco, mức "hạn ngạch" này tùy thuộc vào từng bang, còn ở Sam’s Club, mức "hạn ngạch" thống nhất ở mức 4 bao 20 pound (khoảng 10 kg/bao). “Chúng tôi đã nghe tin về nhiều nhà hàng dự trữ lượng gạo đủ dùng trong 3 tuần. Điều này sẽ làm cho tình hình căng thẳng hơn, do đó chúng tôi phải đặt giới hạn”, Giám đốc tài chính của Costco, ông Richard Galanti cho biết.

Còn trong một tuyên bố đưa ra hôm 24/4, Sam’s Club cho biết, việc đặt giới hạn đối với lượng gạo mà khách hàng có thể mua là nhằm ngăn không cho các nhà phân phối và bán buôn mua hết sạch gạo trong kho của hãng này.

Việc đặt giới hạn gạo được mua ở Mỹ hiện nay xuất phát từ cơn “bão giá” hàng hóa, trong đó có gạo, trên phạm vi toàn cầu. Cùng với nhiều mặt hàng khác, giá gạo thế giới đang bắt đầu chạm những kỷ lục lịch sử.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn khẳng định, thế giới không thiếu gạo. “Năm ngoái, Việt Nam và Thái Lan đều đạt sản lượng gạo cao kỷ lục. Sản lượng gạo ở Ấn Độ cũng rất dồi dào”, nhà kinh tế học cao cấp Nathan Childs tại Cục Nghiên cứu kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết.

Thay vào đó, điều khiến giá gạo tăng cao là những lo ngại về tình hình lạm phát giá lương thực tại nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo. “Tại những nước nghèo, phần lớn thu nhập của người dân được chi dùng vào lương thực và thực phẩm. Do đó, việc lương thực tăng giá mạnh đang khiến cuộc sống của người dân ở đó gặp khó khăn”, ông Childs nói.

Bởi vậy, để bảo đảm nguồn cung gạo - một loại lương thực thiết yếu tại nhiều quốc gia - một số nước đã tạm ngừng hoạt động xuất khẩu gạo hoặc đặt giới hạn đối với hoạt động này.

Kết quả, lượng gạo được giao dịch trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh. Năm ngoái, Ấn Độ và Việt Nam, hai trong số những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã giảm lượng gạo xuất khẩu. Từ đó, Campuchia, Ai Cập và Brazil cũng tạm ngừng xuất khẩu gạo. Nhiều nhà quan sát lo ngại rằng, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan, cũng có thể ngừng hoặc giảm lượng gạo xuất khẩu.

Chóng mặt vì giá gạo

Giá gạo trong mấy tuần trở lại đây tăng chóng mặt. Giá gạo hạt dài tại Mỹ đã tăng gấp đôi, lên mức 800 USD/tấn. Trong tháng 4, giá gạo thơm Ấn Độ tăng 182%, lên mức 2.400 USD/tấn, so với mức 850 USD/tấn cách đây 1 năm. Giá gạo thơm Thái Lan hiện cũng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 559 USD/oz, lên mức 1.125 USD/tấn.

Xu thế tăng giá của gạo đặc biệt tăng tốc kể từ tháng 1 vừa qua, thời điểm mà gạo thơm Thái Lan còn được giao dịch ở mức 625 USD/tấn, còn gạo thơm Ấn Độ có giá 1.300 USD/tấn.

Gạo thơm Ấn Độ và Thái Lan có mùi thơm rất khác biệt và giống gạo này nếu được trồng ở những quốc gia khác, sẽ không có được mùi thơm đặc trưng này. Do đó, hai loại gạo này thường có giá cao hơn nhiều so với các loại gạo thông thường khác. Trong một thập kỷ trở lại đây, gạo thơm được tiêu thụ đặc biệt mạnh tại Mỹ, trong khi tiêu thụ gạo nói chung tại thị trường này chỉ tăng khoảng 2%/năm.

Nhập khẩu gạo thơm Thái Lan từ Mỹ tăng 78% trong 10 năm trở lại đây, đạt mức 394.000 tấn vào năm 2007. Trong khi đó, nhập khẩu gạo thơm Ấn Độ cùng kỳ tăng 112%, đạt mức 71.000 tấn vào năm 2007. Thống kê cho thấy, hai loại gạo thơm này rất ít được tiêu thụ tại hai quốc gia sản xuất, mà chủ yếu được xuất khẩu sang Anh, Trung Đông, Hồng Kông, Canada, Mỹ và Singapore.

Tại Sở Giao dịch Chicago, các hợp đồng gạo kỳ hạn từ trước đến nay vẫn là những hợp đồng ít được giao dịch nhất. Tuy nhiên, khi giá gạo kỳ hạn tăng 80% trong vòng một năm trở lại đây, đạt mức 24 USD/cwt (1 cwt tương đơn hơn 45 kg), giao dịch trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. “Trong 30 năm trong nghề buôn bán hàng hóa ở đây, tôi chưa bao giờ lại thấy gạo được giao dịch mạnh như năm nay”, một nhà buôn cho biết.

Dự báo, thị trường gạo sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới, đặc biệt đối với các quốc gia nhập khẩu ròng gạo và có dân số tiêu thụ gạo ở mức cao, như Philippines và Iran.

Một cuộc bán đấu giá gạo quốc tế mới đây đã cho thấy thị trường gạo thế giới hiện đã căng thẳng tới mức nào. Ngày 15/4 vừa qua, Chính phủ Philippines tìm cách mua 500.000 tấn gạo trên thị trường thế giới, nhưng chỉ mua được có 320.000 tấn. Thực tế này khiến nhiều tổ chức buôn gạo cho rằng, các nước sản xuất đang tích trữ gạo để đẩy giá gạo lên.

Chính phủ Philippines vừa tuyên bố kế hoạch sẽ tìm mua thêm từ 100.000 đến 600.000 tấn gạo nữa. Nếu Philippines lại một lần nữa không mua được đủ số gạo này, đây có thể sẽ là dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng gạo thực sự, giữa thời điểm mà thế giới đang lo ngại về thực phẩm và các loại lương thực khác như lúa mỳ và thịt.

Theo Kiều Oanh
VnEconomy/Business Week

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm