Khép lại vụ nhà thầu ngoại kiện Vinalines

Vinalines đã phải nộp đủ số tiền lên tới 70 tỷ đồng tiền phạt hợp đồng và lãi chậm thanh toán để có thể thoát được vụ tranh chấp hợp đồng phức tạp với nhà thầu SK E&C (Hàn Quốc) kéo gần 2 năm qua.

Thiệt đơn, thiệt khép

 

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, số tiền chính xác mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải trả cho SK E&C - nhà thầu Hàn Quốc thi công Gói thầu 1b, Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) là 69,976 tỷ đồng, bao gồm 65,261 tỷ đồng theo phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và lãi chậm trả (9%/năm cho 360 ngày cho số tiền chờ đợi thực hiện phán quyết).

 

Khép lại vụ nhà thầu ngoại kiện Vinalines
70 tỷ đồng Vinalines phải nộp là tiền phạt hợp đồng và lãi chậm thanh toán cho SK E&C (Hàn Quốc)

 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Khoản tiền này đã được Vinalines chuyển vào tài khoản của SK E&C tại Ngân hàng Shinhan Bank Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM chỉ đúng 1 ngày trước khi Tòa án Hàn Quốc họp phiên cuối cùng (ngày 20/11/2014).

 

Cần phải nói thêm rằng, đây là khoản tiền mà cơ quan trọng tài buộc Vinalines phải thanh toán cho lô cọc thép gồm 544 đoạn mà SK E&C mang đến công trường trước khi Dự án bị Chính phủ dừng để điều chỉnh chủ trương đầu tư vào năm 2012.

 

VIAC cho rằng, Vinalines đã không thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng khi từ chối thanh toán khối lượng cọc thép do SK E&C nhập về và đã được tư vấn giám sát xác nhận.

 

Được biết, theo phán quyết của VIAC, thời hạn chót mà Vinalines phải thi hành là ngày 2/11/2014. Trong trường hợp hết thời hạn thi hành nêu trên mà Vinalines vẫn không tự nguyện thi hành, SK E&C có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài.

 

Phán quyết của VIAC sau đó đã được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xác nhận là đúng luật. “Với việc được VIAC xử thắng, SK E&C chắc chắn sẽ được Tòa án tại Hàn Quốc bảo vệ lợi ích. Khi đó, Vinalines đương nhiên sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc giải phóng tàu Vinalines Sky và Vinalines Trader vốn đang bị phong tỏa tại Pohang và Incheon”, ông Lê Triệu Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines cho biết.

 

Trước đó, sau khi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên bố không hủy phán quyết của VIAC,  Vinalines đã tìm mọi cách để giảm nhẹ thiệt hại cho phía chủ đầu tư. Cụ thể, Vinalines chấp nhận “muối mặt” gửi thư cho SK E&C đề nghị nhà thầu hỗ trợ và chia sẻ thông qua việc chấp nhận giảm trừ tiền lãi chậm thanh toán cho 2 khoản mục phải thanh toán và thiệt hại phát sinh do các tàu của Vinalines bị bắt giữ tại Hàn Quốc.

 

Tuy nhiên, với lợi thế quá lớn trong tay, SK E&C chỉ bớt đúng 117 triệu đồng so với đề nghị của đối tác Việt Nam. Trong báo cáo mới nhất về vụ việc gửi Bộ Giao thông - Vận tải, Vinalines cho biết, việc thực hiện đúng yêu cầu của nhà thầu Hàn Quốc là lối thoát có lợi duy nhất trong vụ tranh chấp nếu họ không muốn mất thêm khoản án phí trị giá khoảng 20.809 USD cũng như tiền lãi phát sinh.

 

Những bài học đắt giá

 

Cho đến thời điểm này, vụ tranh chấp đã chính thức được khép lại sau khi Vinalines đã thu hồi khoản tiền đặt cọc giải phòng tàu Vinalines Sky (2,961 triệu USD) tại Tòa án địa phương Pohang và 0,269 triệu USD tiền đặt cọc giải phóng tàu Vinalines Trader tại Toàn án địa phương Incheon.

 

Bên cạnh đó, Vinalines cũng đã đạt được sự thống nhất với Liên danh tư vấn Meinhart - Tedi Port và SK E&C - Vinawaco về việc thanh quyết toán hợp đồng thi công xây dựng gói thầu 6b1. Mức độ thiệt hại cuối cùng từ việc dừng thi công Dự án Cảng trung chuyển Vân Phong và gói thầu 6b1 sẽ được chủ đầu tư cập nhật chính xác sau khi có bản quyết toán cuối cùng, nhưng với Vinalines họ đã nhận được những bài học đắt giá trong việc quản lý và xử lý tranh chấp hợp đồng.

 

Đầu tiên là việc Vinalines đã đánh giá chưa chính xác vai trò của VIAC trong việc xử lý các tranh chấp thương mại dẫn tới kéo dài vụ việc, phát sinh gần 5 tỷ đồng tiền lãi trả chậm không cần thiết, trong khi không trình ra được những chứng cứ bảo vệ đủ thuyết phục.

 

Cũng theo một chuyên gia pháp lý, Vinalines đã rất sơ hở trong quá trình thương thảo và quản lý hợp đồng tại Gói thầu 1b. Mặc dù đại diện Vinalines cho rằng, họ đã tạm ứng vượt quá khối lượng thi công thực tế và nhà thầu không đảm bảo chất lượng, nhưng chủ đầu tư lại không phạt được nhà thầu. Hai công cụ quan trọng nhất để nắm được nhà thầu là bảo lãnh tạm ứng và bảo lãnh thực hiện hợp đồng, Vinalines cũng để hết thời hiệu, mà không yêu cầu SK E&C gia hạn.

 

“Đây là bài học đắt giá cho các chủ đầu tư trong việc quản lý hợp đồng xây dựng”, vị chuyên gia này đánh giá.

 

Theo Vinalines, với việc phán quyết trọng tài đã được thực thi, đây là một đón giáng mạnh vào tình hình tài chính vốn đã rất khó khăn của doanh nghiệp vận tải biển số 1 Việt Nam này. Để có được 3,2 triệu USD nộp vào tài khoản phong tỏa, Hội đồng Thành viên Vinalines đã phải tạm sử dụng 68 tỷ đồng từ nguồn tiền 900 tỷ đồng được Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ.

 

“Với tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, khả năng Vinalines hoàn trả lại đủ phần vốn điều lệ là gần như không có”, một lãnh đạo Vinalines cho biết.

 

Theo Anh Minh

Đầu tư
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”