Khát vọng trỗi dậy của những thiên đường du lịch mới
(Dân trí) - Năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, nằm trong số 10 quốc gia tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới (UNWTO). Bứt phá ấn tượng, du lịch đang dần khẳng định vị thế là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Ông Đoàn Văn Bình Chủ tịch Tập đoàn CEO nhận định: “Việt Nam có rất nhiều lợi thế để vượt lên và ghi danh trên bản đồ du lịch toàn cầu, tạo ra một cực tăng trưởng cho nền kinh tế. Tôi có một khát vọng là đất nước chúng ta sẽ sớm trở thành cường quốc du lịch của thế giới”.
Ngôi sao đang lên
Niềm tin của ông Đoàn Văn Bình cũng như niềm tin của những nhà đầu tư chọn gắn bó dài hạn với CEO Group hoàn toàn có cơ sở khi quý I năm nay, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 4,5 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ 2018.
Mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020 chúng ta đã cán đích từ năm 2016, mục tiêu cho năm 2025 đã đạt được vào năm 2018 và dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ chạm đích đến đặt ra cho năm 2030. Tuy vậy, cơ hội với du lịch Việt Nam còn rất lớn, thị trường còn tiềm năng cho cả 10 năm tiếp theo. Đó không chỉ là nhận định của riêng Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mà còn được chia sẻ và đồng tình của giới chuyên gia, đầu tư quốc tế.
Chọn bất động sản nghỉ dưỡng là một trụ cột kinh doanh, CEO Group đang có những đóng góp tích cực cho ngành kinh tế đang lên của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, từ năm 2011 cho đến 2018, lượng phòng nghỉ khách sạn đạt chuẩn trên toàn quốc đã tăng hơn gấp đôi, đạt 550.000 phòng, tương đương tốc độ tăng trưởng 12%/năm. Riêng CEO Group, 5 năm qua, Tập đoàn đã đưa vào khai thác hơn 1.500 phòng đạt chuẩn 5 sao quốc tế tại Phú Quốc, trở thành đầu tàu kéo khu vực trung tâm Đảo Ngọc phát triển, góp phần khai thác tiềm năng bất động sản và du lịch tại hòn đảo xinh đẹp này.
Novotel Phu Quoc Resort và Novotel Villas mang tới nhiều cái nhất cho ngành bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng như có quy mô số phòng lớn nhất trong hệ thống Accor tại Việt Nam, là dự án có tiến độ xây dựng mới nhanh nhất với quy mô số phòng tương ứng trong hệ thống Accor trên toàn cầu, là Novotel Resort đầu tiên trong hệ thống Accor tại Việt Nam, là khách sạn gắn thương hiệu quốc tế lớn nhất trên Đảo Ngọc… Trong khi đó, Best Western Premier Sonasea Phu Quoc lại cuốn hút du khách bằng vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc và sự hoàn hảo của dịch vụ. Đây cũng là dự án được vinh danh Giải thưởng thiết kế cảnh quan đẹp nhất tại giải thưởng Bất động sản Đông Nam Á - Dot Property Southeast Asia’s Best of the Best 2017.
Các khu nghỉ dưỡng của CEO Group đã trở thành những thỏi nam châm thu hút du khách hạng sang đổ về Phú Quốc trải nghiệm và nghỉ dưỡng, với nhiều chuyến bay thuê trọn hàng ngày hạ cánh đưa khách từ những nước châu Âu xa xôi như Thụy Điển, Nga… ghé tới nơi này.
Tại sao CEO Group lại bắt tay với Best Western ở dự án thứ hai, mà không phải là Accor? Ông Đoàn Văn Bình chia sẻ: “Mỗi tập đoàn quốc tế khi có mặt ở dự án nào đó đều sẽ tâm huyết quảng bá tên tuổi Việt Nam trên hệ thống của mình. Việc hợp tác với nhiều tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới không chỉ tạo ra sự đa dạng về nguồn khách cho các khu nghỉ dưỡng của CEO Group, mà còn nhằm quảng bá du lịch Việt Nam rộng rãi hơn trên toàn cầu”.
Trong chiến lược phát triển bền vững của mình, CEO Group đặt mục tiêu sẽ đóng góp 3.500 - 5.000 phòng đến năm 2021, tạo ra chuỗi nghỉ dưỡng cao cấp ở các địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Phú Quốc, Vân Đồn, Nha Trang, Quảng Bình, Cần Thơ… Có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các dự án của CEO Group, đó là ở dự án nào, Tập đoàn cũng chủ trương lựa chọn vị trí đắc địa, đảm bảo khả năng sinh lời dài hạn cho bất động sản, đặc biệt là lựa chọn những thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới đồng hành để mang đến chất lượng đẳng cấp quốc tế, lượng khách hàng ổn định, minh bạch và đảm bảo cam kết với đối tác, với các nhà đầu tư.
Đa dạng trải nghiệm: Chìa khóa cho xu hướng mới
Là ngôi sao đang lên trên bản đồ du lịch toàn cầu, nhưng nếu không nhạy bén, thích ứng với xu hướng, Việt Nam khó có thể bật lên nhóm dẫn đầu. Năm 2018, nước ta thu hút được 15 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Thái Lan đón được 38 triệu khách.
Một trong những chìa khóa cạnh tranh ở kỷ nguyên mới, theo quan điểm của Mauro Gasparotti, Giám đốc Khối khai thác khách sạn của Savills, là xu hướng đa dạng hóa sản phẩm nhưng lại đảm bảo yếu tố cá nhân hóa trong việc đem đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho khách hàng. CEO Group hiểu rõ điều này và đã thể nghiệm trên các dự án mới của mình.
Tại Vân Đồn, những hạng mục đầu tiên của Tổ hợp khu Sonasea Vân Đồn Harbor City đang được CEO Group tập trung nguồn lực triển khai. Đó là những khu phố shophouse lấy ý tưởng từ các khu phố mua sắm sầm uất của Singapore. Đó là Sonasea Vân Đồn Complex, khu du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên trên thế giới được vận hành bởi Tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng Accor dưới mô hình “3 thương hiệu 1 điểm đến đẳng cấp 5 sao”, bao gồm Pullman, Novotel Suites và Ibis Style. Với quy mô 358.5ha tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Sonasea Vân Đồn Harbor City là dự án khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh, phát triển đồng bộ các sản phẩm lưu trú – vui chơi – giải trí theo mô hình “All in One”, mọi trải nghiệm trong một điểm đến giải trí đẳng cấp. Dự kiến, phân khu nhà phố thương mại Singapore Shoptel sẽ sớm ra mắt trong năm 2019. Tuyến phố du lịch sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị với sự xuất hiện của những quán cà phê view vịnh Bái Tử Long hay các nhà hàng sang trọng, các hoạt động giải trí thú vị diễn ra trên khu phố đi bộ…
“Các sản phẩm nghỉ dưỡng mà Tập đoàn CEO mang đến cho thị trường không chỉ giải tỏa nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho du khách trong và ngoài nước, mà còn nâng tầm chất lượng du lịch, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Việc hợp tác quản lý với những tên tuổi lớn là “lối tắt” để chúng ta tiệm cận với xu hướng quốc tế”, ông Bình chia sẻ.
Đây cũng là một giải pháp hóa giải điểm yếu của ngành du lịch Việt Nam, hướng tới đa dạng hóa du khách, thay vì tập trung vào một vài thị trường trọng điểm.
Vân Đồn dù đã có thêm nhiều hạ tầng để cất cách như sân bay quốc tế, đường cao tốc, cầu cảng đón tàu lớn… hiện vẫn còn hoang sơ hơn nhiều so với Phú Quốc khi CEO Group đặt những bước chân đầu tiên đến Đảo Ngọc. Nơi đây hiện không có một phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường sá đi lại khó khăn, bụi bặm mịt mờ. Đặc sản lớn nhất vẫn chỉ là biển xanh, cát trắng mênh mông.
Những vùng đất hoang sơ như thế, những “cô gái đẹp ngủ trong rừng” của du lịch Việt Nam, đang rất cần những bàn tay, khối óc và khát vọng chinh phục của các doanh nghiệp Việt Nam. Cú lội ngược dòng ngoạn mục của du lịch Phú Quốc khi vươn lên ngôi vị hàng đầu trong làng du lịch Việt Nam với những đầu tàu như CEO Group, Vin Group, Sungroup, Bim Group đã chứng minh rõ điều đó.
Giải phóng tiềm năng bằng hành động
Thái Lan hiện chỉ có 3 sân bay ở Bangkok, Phuket và Kohsamui, trong khi Việt Nam đang có nhiều điểm hạ cánh cho những chuyến bay quốc tế như tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Vân Đồn… Đó chính là lợi thế để du lịch Việt Nam bứt phá, là cửa ngõ để Việt Nam thu hút nhiều du khách đến với mình hơn.
Nhưng để làm được điều đó, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Làm sao để du khách thấy đơn giản, tiện lợi mỗi khi làm thủ tục đi và đến, làm sao để họ nhanh chóng xách ba lô lên và đi mỗi khi quyết định đến Việt Nam và rồi lại hào hứng mỗi khi trở lại? Những câu hỏi thường xuyên này của các chuyên gia quốc tế cũng là những nỗi niềm đau đáu của những doanh nhân tâm huyết với sự phát triển của ngành công nghiệp không khói như ông Đoàn Văn Bình.
Được nhận xét là một doanh nhân kín tiếng, ông Bình ít khi nói về các dự án của CEO Group, song ông lại rất thoải mái chia sẻ khi được hỏi về những giải pháp “hiến kế” cho ngành du lịch phát triển.
Để du lịch có thể tăng tốc phát triển nhanh hơn và Việt Nam có thể trở thành một cường quốc du lịch, theo ông Bình, Nhà nước cần tháo gỡ bốn nút thắt quan trọng đang cản trở sự phát triển của du lịch Việt Nam. Thứ nhất, hoàn thiện hạ tầng được coi là một trong ba đột phá chiến lược của đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng hệ thống sân bay, bến cảng, phát triển hệ thống đường bộ, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt…
Biện pháp thứ hai mang tính đột phá là sớm miễn thị thực cho du khách nước ngoài tới Việt Nam nhằm giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí, thông qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam.
Thứ ba là nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Tinh thần của Bộ Chính trị và Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần được quán triệt tới các bộ, ngành, các địa phương nhằm tạo hành lang và chính sách phát triển thông thoáng, kết nối các địa phương nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, nâng cao nhận thức của người dân để mỗi người dân là một đại sứ du lịch, từ đó nâng cao thương hiệu và sức hút của du lịch Việt Nam.
Thứ tư là kết hợp nguồn lực nhà nước và huy động vốn toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Các quốc gia dẫn đầu về đón khách du lịch quốc tế như Thái Lan, Singapore và Malaysia đều đầu tư lớn vào quảng bá trên thị trường quốc tế.
Nhà nước chỉ cần bỏ ra 1 - 2% tổng doanh thu du lịch dành cho xúc tiến, quảng bá thì sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong khi đó, khối doanh nghiệp cũng có thể đồng hành thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và bắt tay với các thương hiệu quản lý khách sạn, các hãng lữ hành danh tiếng trên thế giới.
Nếu có hạ tầng tốt, miễn thị thực du lịch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh quảng bá, phần còn lại như phát triển sản phẩm du lịch, tạo điểm đến và xây dựng cơ sở lưu trú là do người dân và doanh nghiệp làm, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc du lịch của thế giới, đóng góp cho GDP hàng trăm tỷ USD trong tương lai.
"Tập đoàn CEO sẽ tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án nghỉ dưỡng trên cả nước. Chúng tôi kỳ vọng vào sự bứt phá tại phân khúc tiềm năng này nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định của du lịch Việt Nam", ông Đoàn Văn Bình khẳng định với niềm tin và khát vọng về sự trỗi dậy của du lịch Việt Nam trong tương lai.