Khan vốn ngoại tệ?

Một diễn biến chưa từng có kể từ đầu năm: chênh lệch giá USD mua vào - bán ra của các ngân hàng chỉ chênh có 2 VND.

Cụ thể, cuối tháng 8, giá bán ra USD của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 16.241 VND, giá mua vào 16.239 VND; mức chênh lệch 2 VND được duy trì trong suốt tuần qua, thay vì chênh trên 10 VND như thường thấy.

Có thể giải thích hiện tượng này từ nhu cầu mua vào mạnh, giá cao của các ngân hàng thương mại, trong khi giá bán ra không thể đẩy lên vì đã kịch trần biên độ. Với mức 16.241 VND bán ra, tỷ giá của các ngân hàng đã chạm trần 0,5% theo quy định so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng.

Từ hiện tượng đó, liệu có hay không vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đang khan dần?

Theo một số ngân hàng có hoạt động ngoại hối mạnh, nhu cầu ngoại tệ, chủ yếu từ doanh nghiệp, đã tăng trên 30% so với đầu năm. Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa lớn càng đẩy cầu ngoại tệ lên cao.

Những tháng đầu năm, vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại dư thừa, tập trung trong quý I, do lượng ngoại tệ vào quy đổi nhiều. Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh mua vào, cân đối cung cầu, từ cuối quý II đến nay, lượng vốn ngoại tệ của các ngân hàng bắt đầu có dấu hiệu khan. Lãi suất huy động ngoại tệ liên tục tăng; tỷ giá cũng tăng mạnh (gần 1%) so với đầu năm.

Nếu nhìn vào lãi suất, những quyết định tăng phổ biến trên thị trường thời gian gần đây cho thấy cầu ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đang thực, nhưng chưa quá nóng. Tính từ đầu năm, lãi suất huy động USD đã định hình mặt bằng mới, cao hơn từ 0,05 - 0,57%/năm, theo từng kỳ hạn. Đây là mức tăng khá cao và phổ biến. Và điểm đáng chú ý là dù lãi suất tăng cao nhưng tốc độ huy động lại chậm.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho thấy tốc độ tăng vốn huy động ngoại tệ (chủ yếu là USD) những tháng gần đây chỉ tăng chưa đây 2%/tháng; tính chung 8 tháng đầu năm, mức tăng so với năm 2006 chỉ khoảng 7,5 - 8%. Từ đây, một câu hỏi khác lại được đặt ra là liệu nguồn ngoại tệ trong dân cư cũng có dấu hiệu khan dần?

Về vốn ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, hiện chưa có nhu cầu xin mua từ “kho” của Ngân hàng Nhà nước; các ngân hàng vẫn khá chủ động. Nhưng dấu hiệu khan vốn đang bắt đầu xuất hiện, khi cầu ngoại tệ của doanh nghiệp tăng cao, huy động tăng chậm. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn “đón đầu” dấu hiệu này.

Theo nội dung công văn trên, nhu cầu ngoại tệ trên thị trường đang tăng cao. Để đáp ứng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm chủ động bán ngoại tệ đủ và kịp thời. Trường hợp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng giảm xuống bằng hoặc dưới mức -5% sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét bán hỗ trợ để cân bằng.

Ông Trương Văn Phước, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, cũng cho biết từ đầu năm đến nay, vốn ngoại tệ được điều hòa trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước là người đứng sau theo dõi; trường hợp có biến động cung - cầu, cơ quan này sẽ vào cuộc.

Về nguồn cung trong dân cư, tốc độ huy động của các ngân hàng tăng chậm được giải thích từ nguồn kiều hối chưa đến mùa cao điểm, lượng vốn còn “ngủ quên” ngày càng hạn chế.

Điểm đáng chú ý là đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã bỏ trần lãi suất huy động ngoại tệ đối với các tổ chức, nhưng lượng huy động vẫn không khả quan, trong khi lượng vốn VND huy động từ khối này tăng khoảng 3 lần so với cuối năm 2006. Từ đây có thể thấy rằng, ngoài vốn ngoại tệ cho kinh doanh, nhập khẩu, lượng ngoại tệ nhàn rỗi của các tổ chức kinh tế cũng đang khan dần.

Trước cầu ngoại tệ đang tăng cao, những tháng cuối năm, các ngân hàng thương mại sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ Ngân hàng Nhà nước, từ nguồn kiều hối vào mùa sôi động. Ngoài ra, gần đây một số thông tin đề cập đến nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trị giá 3 tỷ USD đang chờ quy đổi để săn hàng từ những doanh nghiệp lớn IPO (phát hành cổ phần lần đầu) vào cuối năm.

Theo Đăng Long
VnEconomy