1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Khai tử Flappy Bird là tuyệt chiêu tiếp thị?

(Dân trí) - Ngày 10/2, tác giả Nguyễn Hà Đông của game đình đám thế giới Flappy Bird đã chính thức gỡ bỏ trò chơi này khỏi các kho ứng dụng trực tuyến. Forbes nhận định, hành động này có thể khiến các game thủ tiếc nuối nhưng có thể là chiêu tiếp thị “thiên tài”.

Là một trò chơi đơn giản cả từ đồ họa tới cách chơi nhưng lại vô cùng hấp dẫn ở chỗ đòi hỏi người chơi phải có sự khéo léo, Flappy Bird những ngày qua đã gây “bão” trên thị trường ứng dụng di động thế giới, khi đứng đầu bảng các trò chơi miễn phí được tải nhiều nhất trên kho ứng dụng của Apple cũng như Google.

Chú chim Flappy Bird đã gây bão trong thế giới game những tuần qua
Chú chim Flappy Bird đã gây "bão" trong thế giới game những tuần qua

Bởi vậy, quyết định gỡ bỏ ứng dụng này khỏi kho ứng dụng trực tuyến của tác giả Nguyễn Hà Đông, 29 tuổi, không chỉ khiến cộng đồng game thủ và báo giới quốc tế xôn xao mà còn làm nảy sinh những đồn đoán, bàn luận vì sao tác giả sẵn sàng từ bỏ một trò chơi đình đám, đem về cho mình mỗi ngày tới 50.000 USD doanh thu từ quảng cáo.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Trong chia sẻ chính thức của mình trên Twitter, tác giả khẳng định “không thể chịu nổi” sự chú ý, bình luận và chỉ trích từ dư luận.

Nhưng chính việc gỡ bỏ trò chơi này, theo nhận định của một bài viết trên tạp chí Forbes, dù vô tình hay hữu ý, có lẽ đã trở thành chiêu tiếp thị ứng dụng trực tuyến khôn ngoan nhất trong lịch sử.

Từ chỗ chỉ có khoảng 75.000 lượt đánh giá, bình luận vài giờ trước khi bị gỡ bỏ, trong những giờ cuối, số lượt bình luận đã tăng lên tới hơn 146.000. Theo tác giả, sự tăng vọt về số lượt bình luận này rất có thể đồng nghĩa với số lượt tải về khổng lồ.

Hiện tượng này khiến người ta như tới hội chứng “kho Disney”. Trước đây, hãng phim hoạt hình Mỹ cũng từng có những “chiêu” tiếp thị tương tự, khi khóa chặt các cuốn phim “trong kho”, và chỉ lấy ra để bán với số nhỏ trong thời gian ngắn. Bằng cách khiến số lượng phim trở nên khan hiếm, hãng này sẽ bán được lượng sản phẩm khổng lồ trước thời điểm “đóng kho”.

Các tín đồ của phim ảnh sẽ chen chân nhau để mua cho được toàn bộ những cuốn họ muốn, và cả những ai chưa từng xem cũng sẽ chọn mua để phòng khi muốn xem cũng không còn.

Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Flappy Bird. Người chơi game đua nhau tải về trò chơi này sau khi được nghe bàn luận quá nhiều trong thời gian qua, và cũng bởi chỉ còn ít giờ là nó sẽ bị gỡ bỏ.

Và cho dù sau khi tác giả đã gỡ bỏ trò chơi này, điều đó cũng không có nghĩa là nó lập tức biến mất khỏi các máy tính bảng, điện thoại di động của người chơi, và các quảng cáo bên trong trò chơi này cũng vậy. Ứng dụng này sẽ tiếp tục đem về doanh thu ổn định cho tác giả, dù nó không còn được bán. Và không loại trừ khả năng doanh thu sẽ còn cao hơn mức 50.000 USD/ngày được công bố trước đó.

Ngoài ra, có những đồn đoán rằng bước đi này là nhằm ngừa khả năng bị “tấn công” bởi một gã khổng lồ ngành game như Nintendo, khi mà đồ họa của Flappy Bird mang đậm nét của nhà sản xuất game Nhật, hoặc một trò chơi nhỏ hơn như Piou Piou.

Ngay cả khi tác giả đơn giản gỡ bỏ Flappy Bird vì cảm thấy bị quá áp lực bởi sự nổi tiếng của trò chơi mình tạo ra, danh tiếng của anh trên các gian hàng ứng dụng trực tuyến đã được biết tới.

Vậy Flappy Bird là sản phẩm của một tài năng viết game hay đơn giản là một tấm vé độc đắc dành cho người may mắn? Có lẽ đánh giá thứ hai sẽ là chính xác hơn. Tác giả đã mua một tấm vé số khi quyết định tạo ra trò chơi đơn giản này, và nhờ có may mắn, thậm chí “phép màu”, Flappy Bird đã bùng nổ.

Thanh Tùng
Theo Forbes
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước