Khai thác giảm mạnh, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn dầu thô nước ngoài
(Dân trí) - Từ chỗ là nước xuất khẩu dầu thô, Việt Nam đã sớm phải nhập khẩu dầu thô hoặc phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô do việc đầu tư mới các nhà máy lọc dầu trong nước, trong khi các dự án khai thác dầu thô trong nước không đủ cung cấp hoặc khó khai thác hơn.
Đây là cảnh báo của các chuyên gia ngành dầu khí và chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Kinh tế năng lượng và triển vọng được tổ chức ngày 14/12 ở Hà Nội.
Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu dầu thô sẽ không có gì để nói nếu Việt Nam là nước có trình độ ngành lọc dầu hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, trình độ lọc hóa dầu của Việt Nam không vượt trội, không lợi thế cạnh tranh so với khu vực và các nước có hoạt động lọc hóa dầu lớn như Hàn Quốc, Singapore.
Trong khi sản phẩm của nhà máy lọc hóa dầu trong nước chủ yếu phục vụ trong nước thì cũng chính nó phải cạnh tranh với dầu ngoại khi Việt Nam đã và đang cam kết hạ thuế nhập khẩu mặt hàng này từ nhiều nước đối tác lớn, trong đó có thuế quan ưu đãi thuế xăng dầu Hàn Quốc hay thuế quan từ các nước ASEAN như: Singapore, Malaysia...
Nguồn cung dầu thô đang giảm, khó khai thác, chi phí lớn
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Năng lượng và môi trường cho biết, hiện Việt Nam đang đối mặt với nguồn cung dầu khí ngày càng suy giảm, khai thác mỏ cũ khó hơn rất nhiều. Trong khi đó, với mỏ mới tìm và khai thác được, chi phí sẽ rất lớn.
"Trước đây, ngành dầu khí cũng mong muốn tìm được mỏ khí lớn ở cả 3 miền Bắc, Nam, Trung kết nối các vùng trên cả nước với nhau tương tự như cách xây dựng đường dây truyền tải điện năng siêu cao áp 500kV Bắc Nam. Tuy nhiên, thông tin về tiềm năng dữ lượng dầu khí chưa cho phép chúng ta có ý chí để đạt mong muốn đó", ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, Việt Nam có tiềm năng nhưng đầu tư công nghệ để khai thác không đơn giản. Chúng ta đang đứng trước lo ngại nhiều loại năng lượng trong thời gian tới phải nhập khẩu.
Chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam đang có vấn đề
Còn ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng: Đây là giai đoạn nguồn trữ lượng dầu khí khó tìm hơn, cũng như khai thác ở các mỏ lớn đang bị suy giảm mạnh. Hiện giờ việc duy trì đầy đủ năng lượng của đất nước có thể không đáp ứng được, chúng ta bắt đầu phải bước sang giai đoạn nhập khẩu dầu khí từ nước ngoài.
Ông Minh lấy ví dụ để minh chứng: Nếu nhà máy Nghi Sơn đi vào hoạt động, Việt Nam lập tức phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn dầu từ Trung Đông phục vụ cho lọc dầu của nhà máy này.
"Trữ lượng không duy trì được mức cũ trong khi xã hội phát triển nhu cầu tăng lên, buộc phải nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng. Dự báo trong quy hoạch của ngành dầu khí những năm sau sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều", ông Minh nói.
Tại hội nghị, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét: Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng vô tận, mất cái này lại có cái khác. Tuy nhiên có nhiều nhưng cơ chế sử dụng, chiến lược và quy hoạch phát triển đang có vấn đề.
Theo ông Thiên: Định hướng quy hoạch, xưa nay chỉ có Nhà nước làm, giờ phải bỏ cái đi, đề án phát triển giờ đây cũng phải dựa vào chiến lược phát triển của DN, của thị trường và tính đến xu hướng cách mạng 4.0 mới hiệu quả, Việt Nam mới có thể không tụt hậu từ trong kế hoạch được.
"Câu chuyện đặt ra cần phải làm gì khi công nghệ thế giới đang thay đổi. Tôi nghĩ công nghệ thay đổi cực kỳ nhanh, cạnh tranh cực kỳ lớn. Nếu thế giới làm nhiều NLTT, không biết Việt Nam có cần sản xuất năng lượng nữa không", ông Thiên đặt vấn đề.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm cả nước đã nhập khẩu gần 1,2 triệu tấn dầu thô, tăng trên 170% so với cùng kỳ; xuất khẩu dầu thô đạt 6,3 triệu tấn.
Hiện Việt Nam vẫn có khoảng gần 10 dự án lọc hóa dầu trên khắp cả nước, sau khi dự án lọc dầu 22 tỷ USD của nhà đầu tư Thái Lan bị hủy bỏ, hiện cả nước còn có nhiều nhà máy lọc dầu và dự án lọc dầu lớn như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn; các dự án lọc dầu tại Cần Thơ, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà... Có thời điểm, khi đầu tư lọc dầu trở thành "phong trào", người ta xem Việt Nam là cường quốc lọc hóa dầu.
An Linh