Khải Silk tuyên bố không phạt Parkson 200 tỷ đồng vì huỷ ngang hợp đồng

(Dân trí) - Việc huỷ ngang hợp đồng trước thời hạn tại Parkson Paragon khiến Parkson phải đối mặt với nguy cơ mất tiền cọc và chịu mức phạt lên tới khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Khải Silk cho biết, Hoàng Khải & Paragon sẽ không phạt Parkson số tiền trên vì "nghĩ ai chả có lúc khó khăn".

Parkson Paragon đã phải đóng cửa hồi tháng 5 năm nay sau 5 năm hoạt động.
Parkson Paragon đã phải đóng cửa hồi tháng 5 năm nay sau 5 năm hoạt động.

Trước khi tuyên bố đóng cửa trung tâm thương mại cuối cùng tại Hà Nội, hồi tháng 5 vừa qua, Parkson cũng phải đóng cửa trung tâm thương mại Parkson Paragon sau 5 năm hoạt động.

Dù không có được vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, Parkson Paragon lại khá nổi bật trong tổng thể khu Phú Mỹ Hưng, tọa lạc trên mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng, thuộc trung tâm tài chính của đô thị này. Parkson chính thức trở thành nhà quản lý trung tâm thương mại Saigon Paragon từ năm 2011 trong thời hạn 19 năm, từ đó đổi tên khu thương mại này thành Parkson Paragon. Tuy nhiên, sau 5 năm vận hành, khu mua sắm quy mô 19.000 m2 đã dời đi trước thời hạn đầu tư 14 năm.

Việc huỷ ngang hợp đồng trước thời hạn khiến Parkson phải đối mặt với nguy cơ mất tiền cọc và chịu mức phạt lên tới khoảng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Khải Silk cho biết, Hoàng Khải & Paragon sẽ không phạt Parkson số tiền trên vì "nghĩ ai chả có lúc khó khăn".

"Nếu Parkson rút lui thì Hoàng Khải & Paragon sẽ lấy lại mặt bằng cho công ty khác thuê thì cũng vậy. Chứ mà lại đi phạt nhau như thế kia thì đến lúc mình khó khăn thì ai thương", ông Hoàng Khải viết trên trang cá nhân.

Trước đó, trong tháng 1/2015, Parkson đã huỷ hợp đồng thuê tại Parkson Keangnam trước thời hạn nên phải chi 64 triệu đôla Singapore, tương đương 1.020 tỷ đồng, để đền bù hợp đồng. Do khoản phạt này, Parkson đã lỗ tổng cộng 79,2 triệu SGD, khoảng 1.250 tỷ đồng tại Việt Nam vào năm 2015.

Trong báo cáo hồi tháng 10, Parkson phải thừa nhận rằng tình hình kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục sụt giảm bởi có sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới và thị trường bán lẻ ảm đạm. Theo số liệu của đơn vị này, giai đoạn 2011-2015, doanh thu của Parkson Retail Asia Limited ổn định trong khoảng 600-700 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp liên tục sụt giảm, từ 115 tỷ đồng xuống còn 24 tỷ đồng năm 2013.

Kết thúc năm tài chính 2014, Parkson tại Việt Nam lỗ 37 tỷ đồng và năm 2015 lỗ tăng đột biến 1.250 tỷ đồng.

Thông tin trên truyền thông cho thấy, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán trong quý III kết thúc vào 31/3/2016 của Parkson Retail Asia Limited (năm tài chính của Parkson kết thúc vào tháng 6 hàng năm), nhà bán lẻ này tiếp tục chứng kiến một quý kinh doanh không hiệu quả ở Việt Nam, sụt giảm 8,2%; và tổng cộng 9 tháng của năm tài chính 2016, các trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ trước thuế 4,9 triệu đô la Singapore (tương đương gần 80 tỷ đồng).

Parkson là thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ của Tập đoàn Lion, đến từ Malaysia. Kể từ khi vào Việt Nam, Parkson luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến Parkson lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall hay Shopping Center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim…

Thời gian đầu Parkson đã khá thành công, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của một số nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chính vì mô hình này khiến Parkson càng ngày càng "lép vế" so với các trung tâm mua sắm tên tuổi khác gia nhập thị trường.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc phải gánh chi phí để duy trì, làm mới mô hình và mở rộng thêm các trung tâm thương mại nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường dài hạn dần trở thành áp lực lớn cho Parkson.

Bên cạnh đó, đối với các sản phẩm cao cấp, các trung tâm thương mại ở Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh của các trung tâm thương mại ở các nước khác trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản... nơi giới giàu có dễ dàng đến để mua hàng cao cấp, hoặc những nhà phân phối từ các nước này vào Việt Nam cạnh tranh với họ.

Một báo cáo từ CBRE cũng chỉ ra những thách thức cho các nhà bán lẻ trong việc mở rộng hoạt động, bao gồm chi phí vận hành tăng cao, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn, càng làm cho mức độ cạnh tranh của thị trường tăng cao.

Theo ông Sebastian Skiff – GĐ điều hành Dịch vụ bán lẻ của CBRE: "Môi trường bán lẻ đang dần trở nên cạnh tranh hơn, đòi hỏi các nhà bán lẻ phải nâng cao các tiêu chuẩn, kiểm định chất lượng, đối sách cạnh tranh và kế hoạch chiến lược. Các nhà bán lẻ cũng nên tập trung rà soát danh mục đầu tư và hợp nhất, mặc dù họ đang chú ý đến bất động sản hoàn thiện và các địa điểm thu hút đầu tư trên thị trường”.

Phương Dung