Khách ham của rẻ "sập bẫy" trước cú lừa cực mạnh của dân buôn hàng xách tay
(Dân trí) - Lấy cớ thanh lý, xả hàng xách tay để thu hồi vốn, nhiều gian thương đã lợi dụng trộn hàng giả, hàng kém chất lượng vào để bán khiến "thượng đế" sập bẫy, dở khóc dở cười.
Nghe tin nhiều tiệm thanh lý, xả hàng xách tay để thu hồi vốn, chị Minh An (Giải Phóng, Hà Nội) lên mạng đặt gần 2 triệu đồng tiền hàng. Các sản phẩm chủ yếu là sữa rửa mặt, kem dưỡng da, son môi, phấn nước xách tay. Theo quảng cáo, giá sản phẩm sẽ rẻ hơn 30% so với mọi khi do chủ hàng sắp đóng quầy, nghỉ bán trước quy định mới về xử phạt hàng xách tay.
"Trước khi mua, tôi có hỏi sao giá lại rẻ vậy, người bán bảo là sắp thực hiện luật mới về xử phạt hàng xách tay nên họ bán vội để tránh bị tuýt còi. Nghe bùi tai, tôi mới rút ví mua lấy mua để, nhưng nào ngờ, chính tôi lại bị sập bẫy" - chị An nói.
Chị An kể, chị mua 6 sản phẩm nhưng tính ra chỉ có 3 mặt hàng là chuẩn hàng xách tay, ngoại nhập còn đâu là đồ giả mạo nhãn mác. Đơn cử như lọ sữa rửa mặt chị mua về có hiện tượng vón cục, khi bôi lên da bị mẩn đỏ, gây rát.
"Thấy hiện tượng lạ, tôi bỏ sản phẩm không dùng nữa và mang đi kiểm tra lại mã vạch. Đúng như tôi dự đoán, đây là hàng nhái. Tôi có gọi cho chủ hàng thì họ chối quanh, không giải quyết và chặn luôn số điện thoại của tôi" - chị kể.
Tương tự, chị Ánh Mai (Đống Đa, Hà Nội) cũng rơi vào trường hợp dở khóc dở cười khi bỏ tiền thật mà mua đồ giả. Chị bỏ ra 850.000 đồng để mua máy rửa mặt xuất xứ Thụy Điển nhưng nào ngờ về bóc ra mới biết là hàng Trung Quốc đội lốt.
Chị cho biết, thông thường, máy rửa mặt hãng này bán khá chạy, đôi khi có tiền cũng không mua nổi vì cháy hàng. Thế nên, khi thấy tiểu thương bán giá hời, chị tức tốc rút ví đặt mua mà không mảy may suy nghĩ.
"Đúng là họ đã đánh vào tâm lý ham rẻ, chủ quan của người tiêu dùng để giăng bẫy. Như máy rửa mặt tôi mua có tên là Foreo thì họ ghi là Foréo khiến tôi lướt qua nhanh không để ý. Nên khi mua rồi, biết bị lừa mà cũng không thể kiến nghị được" - chị nói.
Theo chị Mai, chiêu thức chung của gian thương là chọn nhãn hiệu tương đồng với sản phẩm chính hãng. Tiếp theo là ghi tên thương hiệu nhập nhèm khiến khách tưởng cùng một loại. Và cuối cùng, bước quan trọng nhất là chọn một cái cớ để giảm giá sản phẩm, chào hàng hấp dẫn. Như trong thời gian này, chủ tiệm sẽ đồng loạt tung các chiêu kiểu "thanh lý", "xả hàng xách tay".
Tiết lộ với phóng viên, anh T.H (Hà Nội), người chuyên hàng xách tay Nhật cho biết, ngoài việc mang mác xả hàng xách tay thì đây cũng là cơ hội để dân buôn chạy hàng cận date. Bởi tâm lý người Việt là ham rẻ nên cứ có khuyến mại lớn là đổ xô đi mua.
"Nhân cơ hội này, nhiều tiệm tranh thủ trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán. Bởi họ chỉ cần có cái cớ để thực hiện, nên mua hàng thời gian này phải hết sức cẩn thận. Vì của thật thì ít mà của giả thì nhiều" - anh H bật mí.
Đồng quan điểm, chị P.H một tay buôn hàng xách tay lâu năm ở Hà Nội nhận định, việc xả hàng để tránh bị xử phạt là có thật và việc trộn hàng cũng là thật. Thế nên, trước khi mua đồ, khách nên xem kỹ thông tin, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về Xử phạt vi phạm hành chính trong Hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.
Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 2 lần số nêu trên.