1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Khả năng nước Mỹ phá sản cao đến đâu?

(Dân trí) - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng bốn sao Mike Mullen cho rằng với an ninh quốc gia, thâm hụt ngân sách còn nguy hại hơn cả khủng bố.

Khả năng nước Mỹ phá sản cao đến đâu? - 1
Những người thất nghiệp Mỹ đang đứng chờ trước một xí nghiệp tuyển dụng
 
Đó là một lời cảnh báo làm nhiều người sửng sốt: “Nếu không ổn định tình hình tài chính, Mỹ sẽ sớm rơi vào tình cảnh như Châu Âu, mà có lẽ còn tệ hơn”, tân Chủ tịch thuộc phe Cộng hòa của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan nói.

“Không giải quyết được đống nợ hiện nay, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc”, ông nói thêm trước các chuyên gia ngân sách và kinh tế gia hàng đầu tại một buổi lễ tại Washington: “Đám đông hỗn loạn sẽ tràn xuống phố, chúng ta sẽ phá sản, tất cả những thứ tồi tệ rồi sẽ đến với chúng ta”.

Hiện nay, cứ tiêu 1 USD thì nước Mỹ đi vay 40 cent. Ông Ryan, ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa, coi ngăn chặn thâm hụt ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm của mình trong vài năm tới.

Nhưng mấy tháng gần đây những lời kêu gọi hành động như thế tràn ngập Washington khiến cuộc tranh luận về chính sách tài khóa và ngân sách căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ qua lại càng thêm dữ dội.

Nguy cơ là quá lớn. Nếu chính phủ vội thắt chặt ngân sách quá mạnh và quá nhanh sẽ giết chết quá trình phục hồi kinh tế.

Nhưng nếu hệ thống chính trị không thể sớm đồng thuận về quá trình đưa thâm hụt về mức bền vững, nguy cơ thậm chí còn có thể lớn hơn: một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

“Nền kinh tế còn đang yếu ớt, thế nên tôi không nghĩ bạn muốn giảm mạnh thâm hụt ngân sách bằng mọi giá, nhưng chúng ta đang chơi một trò nguy hiểm và rồi sẽ bắt đầu phải trả giá vì thiếu trách nhiệm với vấn đề ngân sách”, Ethan Harris từ Bank of America Merrill Lynch nói.

Nỗi quan ngại lớn nhất là nếu không làm gì, rút cục giới đầu tư sẽ trừng phạt nước Mỹ vì sao lãng vấn đề ngân sách. Chi phí vốn vay của doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tăng, buộc phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng và có nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Không chỉ xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ bị đe dọa, một số người còn chỉ ra hậu quả về quốc phòng và đối ngoại.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mike Mullen năm ngoái cảnh báo núi nợ có thể hạn chế khả năng chi tiêu cho quân đội của Mỹ mà theo ông là “mối đe dọa đáng kể nhất đối với an ninh quốc gia”.

Cho đến nay, thị trường vốn vẫn chưa phản ứng nhiều với viễn cảnh dài hạn u ám này. Ví dụ như lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm hiện vẫn dưới 3,4%, dù mấy tháng nay có tăng nhưng vẫn gần với mức đáy lịch sử.

Dù vậy liệu những bài phát biểu chống thâm hụt bóng bẩy nêu trên có biến thành bước chuyển mạnh mẽ sang chính sách thắt lưng buộc bụng trong những tháng tới hay không vẫn là điều đáng nghi vấn, vì hai lý do chính: chính trị chia rẽ sâu sắc và kinh tế tiếp tục phục hồi yếu ớt.

“Hiện nay thì chưa nhưng rồi đó sẽ là vấn đề rất bức thiết”, Phillip Swagel, cựu quan chức kinh tế cao cấp thời chính quyền George W. Bush nói: “Rõ ràng thị trường không nghĩ chúng ta là Argentina, nhưng chúng ta nên gửi một tín hiệu rằng họ nghĩ đúng và chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này”.

Thỏa thuận kéo dài chương trình cắt giảm thuế thời Bush và trợ cấp thất nghiệp hồi tháng 12 không những không gửi đi được thông điệp này mà còn khiến thâm hụt dài hạn tăng thêm 858 tỷ USD mà không có bất kỳ cam kết giảm thâm hụt nào trong tương lai.

Dù vậy những người ủng hộ lại cho rằng nếu các biện pháp trên thúc đẩy tăng trưởng, tình hình ngân sách của Mỹ cũng sẽ được cải thiện. Nhưng những thử thách lớn hơn đối với lời cam kết về kỷ luật ngân sách của Mỹ đang xuất hiện dần.

Ngày 25/1 tới, Tổng thống Barack Obama sẽ trình bày ưu tiên chính sách của ông cho năm 2011 trong bản Thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội. Các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách dài hạn được trông đợi sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Minh Tuấn
Theo Financial Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm