Kẹt vốn vào cổ phiếu đại gia

Rất nhiều tổng công ty lớn đã cổ phần hóa từ lâu nhưng chưa lên sàn, khiến hàng chục ngàn tỷ đồng vốn của NĐT bị kẹt trong các sổ cổ đông.

Những DN… chờ thời

Cổ phần hóa từ cuối năm 2011, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện tại vẫn chưa có kế hoạch niêm yết. Ngày 25/5 tới, ĐHCĐ của Tập đoàn sẽ họp bàn về phương hướng hoạt động kinh doanh trong thời gian tới, trong đó có cả kế hoạch sẽ định hướng đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết hay đăng ký giao dịch vào thời điểm nào và quyết định sẽ thuộc về các cổ đông. Tất nhiên, những cổ đông nhỏ lẻ - đối tượng mong muốn đưa cổ phiếu lên sàn nhất, sẽ không thể có tiếng nói quyết định trong chuyện này.

Tổng CTCP Sông Hồng thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) từ năm 2009. Công ty cũng đã nộp hồ sơ xin niêm yết tại HNX và nhiều lần “rậm rịch” lên sàn, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức.

Sau một năm hoãn, BIDV có kế hoạch niêm yết trong năm nay
Sau một năm hoãn, BIDV có kế hoạch niêm yết trong năm nay

Cuối năm 2011, “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố IPO thành công 84,7 triệu cổ phần. BIDV đã nộp hồ sơ lên HOSE và có kế hoạch niêm yết từ năm 2012. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hoãn lại với lý do thời điểm đó chưa phù hợp. Một nguồn tin từ BIDV cho biết, Ngân hàng sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu trong năm nay, thời điểm cụ thể đang chờ HĐQT họp để thống nhất.

Ngân hàng TMCP LienVietPostBank cũng đã có kế hoạch lên sàn từ năm 2010. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, nhìn vào bức tranh chung ảm đạm của cổ phiếu ngân hàng trên sàn niêm yết, LienVietPostBank đã hoãn kế hoạch này và cho biết sẽ tìm thời điểm thị trường thuận lợi hơn.

Một “đại gia” trong ngành thủy sản là CTCP Thủy sản Bình An đã chính thức nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE từ năm 2010, vì những lý do chủ quan của DN và khách quan từ thị trường nên DN này cũng chưa vội lên sàn. Hay CTCP Tập đoàn Tân Mai (TMG) với số vốn điều lệ hơn 780 tỷ đồng, mặc dù đã nộp hồ sơ lên HNX từ tháng 11/2010, nhưng đến nay vẫn để ngỏ việc lên sàn.

Quý I/2013, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) đã thực hiện thành công IPO ra công chúng với tỷ lệ chào bán là 34,9% cổ phần. Lãnh đạo Vilico cho biết, theo quy định hiện hành của Nhà nước, sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, Tổng công ty sẽ thực hiện đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để trở thành công ty đại chúng. Về việc lên sàn, lãnh đạo Vilico nói chung chung rằng, Vilicosẽ thực hiện đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu khi điều kiện thực tế phù hợp.

Cổ đông ngậm ngùi “chôn vốn”

Có thể thấy hàng chục ngàn tỷ đồng của hàng ngàn nhà đầu tư đổ vào cổ phiếu của những DN chưa niêm yết (OTC) vẫn chưa có “cửa” để thoát, bởi trong thời gian qua, thị trường OTC gần như “đóng băng” và chưa có dấu hiệu hồi phục trở lại.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện nay, các CTCK rất ít chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ môi giới OTC vì khách hàng không có nhiều nhu cầu về dịch vụ này. Chỉ có CTCK nào tư vấn cổ phần hóa cho DN thì mới làm cầu nối để giúp nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng, sau này, trước khi DN lên sàn, sẽ giúp cổ đông lưu ký cổ phiếu. Còn lại, hầu như các môi giới cổ phiếu OTC đều thực hiện tự do thông qua việc rao vặt mua, bán các cổ phiếu OTC trên một số trang web thông dụng.

Lý do chính, theo chia sẻ của một broker, là “bản thân cổ phiếu trên sàn nhà đầu tư còn chưa ngó đến, huống gì cổ phiếu OTC. Hơn nữa đối với nhóm cổ phiếu chưa niêm yết, người có nhu cầu bán thì nhiều, trong khi người mua rất ít”.

Một lý do để các DN chần chừ trong việc niêm yết là sợ bị thị trường đánh giá quá thấp cổ phiếu của DN. Lãnh đạo Tổng công ty Sông Hồng từng chia sẻ, tại thời điểm đấu giá thành công, giá cổ phiếu của DN này là trên 30.000 đồng/CP, nếu đưa lên niêm yết lúc này thì giá cổ phiếu có thể về dưới mệnh giá, dù hoạt động của Công ty vẫn bình thường.

Theo Luật Chứng khoán, khi đăng ký IPO, các DN phải cam kết đưa chứng khoán chào bán ra niêm yết, đăng ký giao dịch tại TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được ĐHCĐ hoặc chủ sở hữu thông qua. Nếu chiếu theo Luật thì hiện nay rất nhiều DN đã vi phạm, nhưng cơ quan quản lý chưa có hướng xử lý vấn đề này. Ngoài hai sàn niêm yết tập trung là HOSE và HNX thì sàn đăng ký giao dịch UPCoM trước đây được kỳ vọng là một sân chơi cho các cổ phiếu OTC, nay cũng không nhiều DN hào hứng. Đại diện Vilico cho biết, nếu buộc phải thực thi theo luật thì Tổng công ty sẽ đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, chứ DN không mấy mặn mà.

Theo Hải Vân
ĐTCK