Kẽ hở giúp DN FDI bất động sản chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
(Dân trí) - Chính sách đang tạo kẽ hở cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc chuyển lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua việc trả lãi vốn vay. Thậm chí, trong các dự án BĐS, chủ đầu tư còn “hợp tác” với nhà thầu có cùng “quốc tịch”.
Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội về tình hình đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) trên địa bàn thành phố, trong 3 năm từ 2008-2010, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã nộp ngân sách nhà nước gần 36 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế VAT (15,4 nghìn tỷ đồng), thuế TNDN (16,2 nghìn tỷ đồng), thuế thu nhập cá nhân (2,5 nghìn tỷ đồng)…
Báo cáo đã chỉ rõ: quy định về điều kiện năng lực tài chính đối với chủ đầu tư (tại điều 5, nghị định 253/2007/NĐ-CP) đã tạo cơ sở cho các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài một cách hợp pháp thông qua việc trả lãi vốn vay. Số vốn vay này chủ yếu là vay của các công ty mẹ ở nước ngoài, còn nhà nước Việt Nam chỉ thu được thuế của nhà thầu đối với bên cho vay.
Rồi việc xác định vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư trên cơ sở Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, mặc dù đã được kiểm toán độc lập cũng chỉ mang tính tham khảo.
Hơn nữa, nhà đầu tư có thể cùng lúc đăng ký thực hiện nhiều dự án BĐS cùng với một báo cáo chứng minh năng lực tài chính và vốn chủ sở hữu. Như vậy, việc chỉ quy định vốn thuộc sở hữu 15%-20% tổng mức đầu tư là chưa đảm bảo được tính chính xác, đầy đủ.
Không dừng lại ở đó, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khi thực hiện các dự án về khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đều giao thầu lại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong cùng tập đoàn, hoặc các nhà thầu có cùng “quốc tịch”.
Do các nhà thầu này không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam nên việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các đối tượng này được tính theo tỷ lệ % tính trên doanh thu.
Tuy nhiên, với việc thu thuế theo kiểu này, Hà Nội cho rằng “chưa điều tiết được phần lợi nhuận trước thuế của nhà đầu tư chuyển ra nước ngoài thông qua việc “gửi giá” trong hợp đồng với nhà thầu”.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Xây dựng sửa quy định về tỷ lệ vốn đầu tư thuộc sở hữu của nhà đầu tư lên thành “không thấp hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt”. Tỷ lệ này sẽ giảm bớt rủi ro cho khách hàng mua nhà mà hiện nay chủ yếu là khách hàng trong nước.
Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét bổ sung quy định chỉ cho phép giao thầu cho nhà thầu nước ngoài theo tỷ lệ không lớn hơn 50% trên tổng giá trị dự án, còn lại phải sử dụng nhà thầu trong nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng cần có quy định điều kiện về thực hiện chế độ kế toán Việt Nam đối với các nhà thầu nước ngoài để cơ quan thuế có căn cứ tính toán thu thuế TNDN một cách chính xác đối với lợi nhuận thu được của các nhà đầu tư và nhà thầu.
Lan Hương