Kaesong đóng cửa, doanh nghiệp Hàn Quốc mất trắng gần 1 tỷ USD

(Dân trí) - Với việc phải chấm dứt hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chịu tổn thất 1,05 nghìn tỷ won, tương đương 910 triệu USD.

Rất nhiều doanh nghiệp đang hối thúc chính phủ nối lại đàm phán để được trở lại đây.
 
Đầu tư vốn vào khu công nghiệp chung Kaesong trên đất Triều Tiên theo kêu gọi của chính phủ và mong muốn tận dụng nhân công giá rẻ, vậy nhưng các doanh nghiệp Hàn Quốc đang thực sự “nếm trái đắng” khi buộc phải dừng sản xuất. Từ đó đến nay, mức thiệt hại họ phải chịu đã lên tới 1,05 nghìn tỷ won, tương đương 910 triệu USD.

Doanh nghiệp Hàn Quốc rời Kaesong với nặng trĩu lo âu
Doanh nghiệp Hàn Quốc rời Kaesong với nặng trĩu lo âu

Tất cả bắt đầu từ ngày 9/4, khi Triều Tiên quyết định rút tòan bộ 53.000 công nhân khỏi khu vực này, trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang sau các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Báo cáo được Bộ thống nhất Hàn Quốc công bố ngày 25/6 cho thấy, 706,7 tỷ won trong tổng số thiệt hại do doanh nghiệp nước này báo cáo đã được xác nhận sau khi chính quyền rà soát kỹ dữ liệu. Số tổn thất này bao gồm tiền đầu tư vào các nhà xưởng, thiết bị sản xuất và tổn thất tức thời về doanh thu.

Con số 350 tỷ won chênh lệch giữa mức thiệt hại do chính phủ công bố và báo cáo của doanh nghiệp là do chưa có đủ tài liệu chứng minh thiệt hại, Bộ thống nhất Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm về quan hệ với Triều Tiên cho biết.

Các con số thiệt hại nêu trên được Bộ này thu thập trong giai đoạn từ 1/5 – 7/6, dựa trên báo cáo của 234 doanh nghiệp có nhà máy tại Kaesong hoặc có hợp tác với các doanh nghiệp tại đây. Chỉ có 123 công ty thực sự có dây chuyền sản xuất tại Kaesong.

Lẽ ra con số các doanh nghiệp kê khai thiệt hại còn cao hơn do có 296 công ty đủ điều kiện để kê khai theo quy định của Seoul, nhưng một quan chức cho biết 62 doanh nghiệp đã từ chối làm việc này do mức thiệt hại không lớn.

Vị này cũng cho biết thêm rằng, dựa trên các dự liệu được cung cấp, chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra các biện pháp mới để hỗ trợ, bắt đầu từ tuần tới. “Mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để đáp ứng mong muốn của các công ty trong khuôn khổ của pháp luật”.

Trong khi đó, Bộ thống nhất Hàn Quốc thì khẳng định nhiều công ty đã đề nghị được hỗ trợ tài chính lớn hơn, ví dụ như mở rộng chính sách bảo hiểm hợp tác kinh tế liên Triều và sử dụng quỹ hợp tác Nam – Bắc nhiều hơn.

Bộ này cho biết, tính đến hôm qua, 76/96 công ty tham gia chương trình bảo hiểm đã khai báo tổn thất. Ước tính mức chi trả sẽ được thực hiện vào khoảng 222,9 tỷ won. Sau khi được bảo hiểm thanh toán, nhà xưởng của các doanh nghiệp tại Kaesong sẽ thuộc về một ngân hàng của chính phủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ có quyền ưu tiên mua lại tài sản của mình nếu khu công nghiệp này mở cửa trở lại.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc từng biểu tình đòi nối lại đàm phán về Kaesong
Các doanh nghiệp Hàn Quốc từng biểu tình đòi nối lại đàm phán về Kaesong

Tương lai của Kaesong mịt mờ

Trước đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong, chính phủ và các ngân hàng nước này đã dành ra khoản vay ưu đãi trị giá 700 tỷ won (tương đương 636,5 triệu USD). Khoản tín dụng trên đã bổ sung cho qũy hỗ trợ khẩn cấp trị giá 300 tỷ won (tương đương 270 triệu USD) được Seoul đưa ra trước đó.

Dù vậy các khoản hỗ trợ trên với các doanh nghiệp Hàn Quốc đều chỉ như biện pháp cấp cứu tức thời, trong khi điều họ thực sự mong muốn là Kaesong mở cửa trở lại để họ tiếp tục sản xuất.

Hôm 21/6 vừa qua, theo tờ Hankyoreh của Hàn Quốc, rất nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động tại khu công nghiệp Kaesong đã lại lên tiếng kêu gọi Seoul và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại, để “đảm bảo đời sống cho 27.000 người Hàn Quốc có liên quan đến khu công nghiệp này”.

Trong một cuộc họp báo, 86 lãnh đạo chi nhánh của các doanh nghiệp và công nhân từng làm tại Kaesong đã yêu cầu bình thường hóa hoạt động tại đây. Tất cả họ đã thất nghiệp sau khi khu công nghiệp này bị đóng cửa.

“Thật kinh khủng khi chứng kiến tình hình tài chính của các đồng nghiệp và nhân viên của chúng tôi kiệt quệ dần”, Im Gi-eon, 56 tuổi, một cựu trưởng chi nhánh Kaesong của một công ty may mặc Hàn Quốc nói.

Trong tuyên bố của mình, đại diện các doanh nghiệp và công nhân khẳng định: “2000 công nhân tại Kaesong trong 10 năm qua đã tạo dựng cuộc sống của mình ở đây. Sự sống còn của 2000 công nhân và 25.000 người thân của họ phụ thuộc vào khu công nghiệp này. Thật phi lý khi lấy đi quyền lợi của họ chỉ vì các vấn đề chính trị”.

Kể từ khi Kaesong bị đóng cửa đến nay, Triều Tiên đã nhiều lần muốn đàm phán với chủ các doanh nghiệp Hàn Quốc nhưng không được chính phủ Hàn Quốc chấp thuận. Trong khi đó cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa hai bên về khu công nghiệp này tưởng như sẽ diễn ra hôm 12 và 13/6 cuối cùng lại bị hủy do bất đồng về thành phần tham dự.

Chừng nào các vấn đề ngoại giao liên Triều chưa được giải quyết, các doanh nghiệp, công nhân Hàn Quốc tại Kaesong và gia đình họ sẽ còn tiếp tục phải sống trong lo âu.

Thanh Tùng
Tổng hợp