JP Morgan bị nghi hối lộ con gái ông Ôn Gia Bảo
(Dân trí) - Mối quan hệ của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase và con gái của cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đang bị giới chức Mỹ điều tra, trong nghi án ngân hàng này đã hối lộ quan chức để giành các hợp đồng với doanh nghiệp quốc doanh.
Theo tờ New York Times, để nâng cao vị thế tại Trung Quốc, JPMorgan Chase đã chọn một công ty tư vấn dường như ít người biết đến, do một lãnh đạo khi đó mới 32 tuổi có tên Lily Chang điều hành.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Nhưng các lãnh đạo của JPMorgan tại Hồng Kông, và lãnh đạo tại một số công ty lớn khác đều biết rằng Lily Chang không phải tên thật của vị lãnh đạo công ty trên. Đó chỉ là bí danh của Ôn Như Thuần, con gái của ông Ôn Gia Bảo, người khi đó đang là thủ tướng Trung Quốc, nắm quyền giám sát nền kinh tế và các định chế tài chính tại nước này.
Mối liên hệ của JPMorgan với Ôn Như Thuần - xuất hiện vào khoảng thời gian khi ngân hàng này cũng đầu tư vào các công ty có gắn với gia đình họ Ôn - chưa từng được tiết lộ. Nhưng điều tra của New York Times cho thấy mối quan hệ này nằm trong một chiến lược lớn hơn để ngân hàng này tích tụ tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc: đưa người thân của giới lãnh đạo Trung Quốc vào bảng lương công ty.
Hiện các cơ quan chức năng Mỹ đang điều tra mối quan hệ của JPMorgan với Ôn Như Thuần. Đây là một phần trong cuộc điều tra hối lộ có quy mô lớn hơn nhằm làm rõ liệu ngân hàng này có đổi các hợp đồng và công việc, để lấy các thỏa thuận làm ăn với các công ty quốc doanh của Trung Quốc hay không.
Cho đến nay JPMorgan vẫn chưa bị cáo buộc hành vi sai trái nào và đang hợp tác với quá trình điều tra cũng như tự tiến hành rà soát nội bộ.
Cuộc điều tra được chính quyền Mỹ bắt đầu với việc kiểm tra quyết định của ngân hàng này trong việc tuyển dụng con gái của một quan chức ngành đường sắt Trung Quốc, và con trai một cựu lãnh đạo cơ quan quản lý ngành ngân hàng, người hiện đã là chủ tịch một tâp đoàn tài chính quốc doanh.
Hợp đồng với công ty tư vấn của Ôn Như Thuần, 40 tuổi, cho thấy hoạt động tuyển dụng của JPMorgan cũng đã chạm tới những người quyền lực nhất trên chính trường Trung Quốc. Ngoài người cha là thủ tướng Trung Quốc từ năm 2003 đến tận đầu năm nay, mẹ của Ôn Như Thuần còn là một viên chức giám sát ngành đá quý và kim cương Trung Quốc.
Ngòai ra từ năm 2006, chồng của bà Ôn Như Thuần là một quan chức của Ủy ban quản lý ngân hàng Trung Quốc, trang dữ liệu trực tuyến China Vitae cho biết.
Với công ty tư vấn Fullmark Consultants của con gái vị cựu Thủ tướng, hợp đồng với JPMorgan là rất hời. Trong khi nhiều ngân hàng đầu tư Hồng Kông chỉ thu được nhiều nhất là 250.000 USD/năm, JP Morgan trả cho Fullmark tới 900.000 USD/năm trong giai đoạn từ 2006 - 2008, tổng cộng là 1,8 triệu USD.
JP Morgan có vẻ cũng hưởng lợi từ mối quan hệ này. Trong một bức thư mật gửi cho ngân hàng này, Fullmark khẳng định họ đã “giới thiệu và đảm bảo” một thương vụ cho JPMorgan với Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, một công ty chuyên xây các tuyến đường sắt cho chính phủ nước này. Ngân hàng trên đã trở thành đơn vị bảo lãnh phát hành trong đợt IPO của China Railway Group với lượng vốn thu về đạt 5 tỷ USD.
Không rõ liệu cha của Như Thuần, ông Ông Gia Bảo, có vai trò gì trong thương vụ này hay không. Nhưng với tư cách thủ tướng khi đó, ông là người có trách nhiệm cao nhất đối với các công ty quốc doanh và những người quản lý các công ty này.
Hiện cả người phát ngôn của JPMorgan cũng như các cơ quan điều tra của Mỹ, gồm Ủy ban chứng khoán và Văn phòng công tố Mỹ tại Brooklyn đều từ chối bình luận về vụ việc.
Trong vòng 2 thập niên gần đây, các ngân hàng phố Wall cũng như các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc đã tìm kiếm những “cậu ấm cô chiêu” để tuyển làm nhân viên, nhà tư vấn hay đối tác trong các giao dịch lớn với Trung Quốc. Nhiều ngân hàng bàn thảo công khai về khả năng của những “cậu ấm cô chiêu” này trong việc mở những “cánh cửa”, và đem đến những hiểu biết sâu hơn về các chính sách và quy định của chính phủ.
Theo các cuộc phỏng vấn của New York Times với những người tại New York và Trung Quốc, năm 2006, JPMorgan đã lập một chương trình, gọi là “Con trai và con gái” để kiểm soát tốt hơn hoạt động tuyển dụng này. Nhưng các tài liệu mà ngân hàng này giao nộp cho cơ quan điều tra cho thấy, các tiêu chuẩn tuyển dụng đối với ứng viên từ các gia đình giàu ảnh hưởng tại Trung Quốc thấp hơn hẳn.
Theo các chuyên gia, con của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thường sử dụng những bí danh được chính phủ chấp thuận, để bảo vệ sự riêng tư khi đi học hoặc đi nước ngoài. Bà Ôn Như Thuần đã dụng tên giả cho cả việc học lẫn kinh doanh. Theo hồ sơ của chính phủ, bà Ôn có 2 chứng minh nhân dân với ngày sinh giống nhau, một cái được cấp tại Bắc Kinh với tên Ôn Như Thuần, cái kia được cấp tại thành phố Đại Liên với tên Chang Lily.
Khi theo học M.B.A tại đại học Delaware, Mỹ, cô con gái vị thủ tướng dùng tên Lily Chang. Sau khi tốt nghiệp năm 1998, cũng giống như con của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khác, Ôn Như Thuần được phố Wall săn đón. Các tài liệu của cơ quan quản lý cho thấy, Lily Chang từng làm việc tại ngân hàng Lehman Brothers và sau đó là công ty Credit Suisse First Boston.
Trong hai năm hợp tác với Fullmark, các lãnh đạo của JPMorgan đã giành được một loạt hợp đồng với các công ty có liên hệ chặt chẽ với Ôn Như Thuần và gia đình cô. Cũng giống như các ngân hàng lớn khác, JPMorgan nắm cổ phần tại New Horizon Capital, một qũy đầu tư tư nhân đồng sáng lập bởi anh trai của Ôn Như Thuần là Ôn Vân Tùng.
Ngân hàng này cũng đầu tư tiền của các khách hàng của mình vào công ty bảo hiểm Bình An và là một cố vấn của công tỷ khổng lồ này. Hiện JPMorgan đang thay mặt khách hàng nắm giữ số cổ phiếu trị giá 1 tỷ USD của Bình An.
JPMorgan cũng giành được một hợp đồng năm 2009 để bảo lãnh phát hành cho tập đoàn vật liệu xây dựng lớn có tên BBMG. Một trong những cổ đông lớn nhất của BBMG là New Horizon Capital.
Theo NY Times