Indochina Airlines sẽ bị kiện ra tòa?
Trước tình trạng hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines không còn khả năng cất cánh, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: việc rút giấy phép kinh doanh chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Theo ông Tiêu: Với trường hợp của Indochina Airlines bây giờ, cứ theo luật mà làm. Hiện tại chúng tôi đã rút hết phép bay, còn rút giấy phép kinh doanh chỉ còn là vấn đề thủ tục.
Sẽ kiện Indochina ra toà
Ông Trần Hữu Phúc, Giám đốc Công ty Vinapco cho biết: Công ty đã gửi thông báo yêu cầu Indochina Airlines được thanh toán nợ nhiều lần nhưng không được phía Indochina Airlines trả lời.
“Đến thời điển này, Indochina Airlines cũng không tuyên bố phá sản, trụ sở thì bị thu hồi rồi nên chúng tôi gửi thông báo nợ vào cũng không ai trả lời”, ông Phúc bức xúc.
Cũng theo ông Phúc, hiện Vinapco đã có báo cáo gửi Cục Hàng không Việt Nam để có biện pháp xử lý khoản nợ trên, nhưng đến thời điển hiện tại vẫn chưa nhận được trả lời và cũng chưa thấy cơ quan này có xử lý gì.
Trước tình trạng “im hơi lặng tiếng” này, ông Phúc cho biết, công ty đã báo cáo lên hội đồng thành viên, và hội đồng thành viên đã chỉ đạo làm tiếp văn bản báo cáo cấp trên rồi chuẩn bị hồ sơ để kiện ra toà.
“Không thấy ai trả lời nên sắp tới chúng tôi phải gửi đơn ra toà. Theo chỉ đạo của hội đồng thành viên, chúng tôi làm một đơn nữa, và chúng tôi đã làm rồi. Chúng tôi đã báo cáo lên và nếu trong vòng một hai tuần không thấy trả lời thì sẽ tiếp xúc với họ, nếu tiếp xúc không được thì lúc đấy bắt đầu kiện ra toà”, ông Phúc khẳng định.
Được biết, ngoài nhà cung cấp nguyên liệu “doạ” đâm đơn ra toà, thì 35 đại lý bán vé máy bay tại Hà Nội cũng đã có đơn khiếu nại Indochina Airlines “quỵt” hơn 800 triệu đồng tiền đặt cọc.
Trong văn bản gửi Cục Hàng không và trọng tài kinh tế Hà Nội, các đại lý bán vé cũng đã yêu cầu Indichina Airlines khẩn trương thanh lý hợp đồng và thanh toán toàn bộ số tiền đặt cọc.
Ngoài ra, các đại lý bán vé cũng đã có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan hữu quan cần có biện pháp can thiệp để đẩy nhanh tiến trình.
Về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Cục không phải là cơ quan quản lý giải quyết nợ. Tuy nhiên, Cục cũng nhiều lần nhận được báo cáo của nhà cung cấp nhiên liệu và đại lý bán vé và gửi cho Indochina Airlines, nhưng đều bị trả lại.
Về hướng giải quyết, ông Thanh cho rằng: “Giải quyết tranh chấp này phải dựa vào căn cứ hợp đồng kinh tế giữa các bên với nhau và phải giải quyết theo cơ chế thoả thuận theo hợp đồng. Còn về quản lý nhà nước, chúng tôi đã huỷ thượng quyền, huỷ lịch bay. Trong thẩm quyền của Cục Hàng không, chúng tôi đã làm hết trách nhiện”.
“Rút giấy phép chỉ là vấn đề thủ tục”
Trước tình trạng hãng hàng không Indochina Airlines không còn khả năng cất cánh, ông Lại Xuân Thanh cho biết, Cục Hàng không VN đã có báo cáo lên Bộ GTVT, còn việc xử lý như thế nào thì… “phải kiểm tra lại”.
“Indochina Airlines đã ngừng khai thác lâu và không đáp ứng được điều kiện có tiến triển khai thác đường bay trong thời gian 24 tháng kể từ khi được cấp giấy phép.Và thực tế đến thời điển này chúng tôi vẫn chưa thấy có động tĩnh hay biện pháp gì từ Indochina Airlines thể hiện mong muốn khôi phục lại hoạt động khai thác.
Với những gì đang diễn ra, theo quy định của pháp luật hoàn toàn đủ điều kiện để tước giấy phép kinh doanh của Indochina Airlines, ông Thanh khẳng định.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, quyết định cuối cùng là do Bộ GTVT, còn Cục không nắm rõ được quyết định của Bộ!
“Cục đã báo cáo hết với Bộ GTVT về tình hình của Indochina Airlines với tư cách là cơ quan thẩm định. Trong trường hợp nếu tước giấy phép thì Cục cũng chỉ vẫn là cơ quan thẩm định. Còn Bộ GTVT là cơ quan cấp giấy phép thì Bộ cũng là cơ quan tước giấy phép”, ông Thanh cho biết.
Về vấn đề này, ông Phạm Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói: “Với trường hợp của Indochina Airlines bây giờ cứ theo luật mà làm. Hiện tại chúng tôi đã rút hết phép bay, còn rút giấy phép kinh doanh chỉ còn là vấn đề thủ tục”.