iMoney: Mức thu nhập bao nhiêu phải đóng thuế, đóng ra sao?

Thảo Thu

(Dân trí) - Cá nhân không có người phụ thuộc phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng. Biểu thuế lũy tiến từng phần gồm 7 bậc, với các mức thuế suất 5-35%.

Thu nhập bao nhiêu mới phải đóng thuế?

Theo quy định hiện hành, có 2 loại thu nhập từ tiền lương, tiền công phải đóng thuế, gồm: thu nhập vãng lai (lao động ký hợp đồng dưới 2 tháng và các hợp đồng thời vụ, các khoản hoa hồng, chiết khấu…); thu nhập thường xuyên (lương, thưởng, các khoản phụ cấp… với lao động ký hợp đồng từ 2 tháng trở lên).

Với khoản thu nhập vãng lai, nếu khoản thu trên 2 triệu đồng hoặc tổng các lần chi trả trong tháng lớn hơn 2 triệu đồng, tiền thuế là mức khấu trừ 10%. Còn với các khoản thu nhập dưới 2 triệu đồng thì không phải khấu trừ.

Với khoản thu nhập thường xuyên, theo quy định hiện hành, cá nhân không có người phụ thuộc thì phải nộp thuế thu nhập khi có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo…).

Nếu có người phụ thuộc, mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Dưới đây là một số mức thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân:

Số người phụ thuộcThu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công/thángTổng thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công/năm 
 Không có > 11 triệu đồng > 132 triệu đồng
 1 người phụ thuộc > 15,4 triệu đồng > 184,8 triệu đồng
 2 người phụ thuộc  > 19,8 triệu đồng > 237,6 triệu đồng
 3 người phụ thuộc > 24,2 triệu đồng > 290,4 triệu đồng
 4 người phụ thuộc > 28,6 triệu đồng > 343,2 triệu đồng

Theo quy định hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương gồm 7 bậc, với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Bậc Thu nhập tính thuế/tháng (đơn vị: triệu đồng) Thuế suất (%)
 1 Đến 5 5%
 2 Trên 5 đến 10 10%
 3 Trên 10 đến 18 15%
 4  Trên 18 đến 32 20% 
 5 Trên 32 đến 52 25%
 6  Trên 52 đến 80 30%
 7  Trên 80 35%

Giả sử, tiền lương một công nhân nhận được hàng tháng là T, ta có cách tính thuế thu nhập cá nhân hàng tháng phải nộp như sau: 

Bậc Thu nhập tính thuế/tháng (đơn vị: triệu đồng)

 Số thuế phải nộp
 (triệu đồng)

 1 Đến 5 5% x T
 2 Trên 5 đến 10 10% x T - 0,25
 3  Trên 10 đến 18 15% x T - 0,75
 4 Trên 18 đến 32 20% x T - 1,65 
 5 Trên 32 đến 52 25% x T - 3,25 
 6 Trên 52 đến 80 30% x T - 5,85 
 7 Trên 80  35% x T - 9,85 
iMoney: Mức thu nhập bao nhiêu phải đóng thuế, đóng ra sao? - 1

Biểu thuế lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương gồm 7 bậc, với các mức thuế suất từ 5-35% (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Tiền thưởng Tết có phải đóng thuế?

Thu nhập từ lương kinh doanh, lương sản phẩm của năm (hay còn gọi là thưởng Tết), theo quy định, là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Cách tính thuế với thưởng Tết này cũng được dựa trên biểu lũy tiến từng phần với người làm công ăn lương gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%.

Thực tế, số tiền thưởng Tết càng lớn thì mức thuế suất mà người lao động phải nộp càng cao, thậm chí lên tới hơn 1/3 giá trị tiền thưởng. 

Lấy ví dụ, với số tiền thưởng Tết lần lượt từ 10 đến 500 triệu đồng, số thuế phải nộp sẽ như sau: 

Tiền thưởng Tết trước thuế
(triệu đồng)

 Tiền thuế phải nộp
 (triệu đồng)
 10 0,75
 50 9,25
 100 25,15
 200 60,15
 300  95,15
 500 165,15

Thực tế, tại một số doanh nghiệp, khi nhận tiền thưởng Tết và thông báo chi tiết của kế toán hoặc nhân sự, người lao động sẽ thấy số thuế bị trừ có thể ít hơn quy định.

Ví dụ, với một người được nhận thưởng Tết 300 triệu đồng, nhưng thay vì bị trừ 95,15 triệu đồng thì bộ phận kế toán có thể chỉ trừ ngay 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là mức thuế thu nhập tạm tính được phân bổ để trừ theo tháng, không phải số thuế phải nộp từ tiền thưởng Tết.

Phải đến kỳ quyết toán sau Tết, người lao động mới biết chính xác số tiền thuế cần phải nộp. Cũng bởi cách tính này, không ít trường hợp khi nhận thưởng Tết của năm sau bị truy thu tiền thuế do khoản thuế thu nhập từ thưởng Tết năm trước chưa được tính đủ.