1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hy vọng về "làn sóng" đầu tư mới

Kết thúc 4 tháng đầu năm 2005, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước đã vượt qua con số 2 tỷ USD, bằng 45% kế hoạch thu hút vốn của cả năm. Tốc độ thu hút vốn kỷ lục này cho thấy, hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam đang khẳng định xu hướng hồi phục và chuyển biến tích cực kể từ giữa năm 2004.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2005, cả nước đã có 177 dự án đầu tư mới, với tổng vốn 1,44 tỷ USD và 121 dự án xin tăng vốn, với 664 triệu USD. Tổng vốn đăng ký mới là 2,1 tỷ USD, tăng khoảng 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

 

“Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư ở Việt Nam đã được cải thiện, sự tin cậy của các nhà đầu tư đối với Việt Nam đã gia tăng”, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã khẳng định như vậy tại Cuộc gặp gỡ giữa Chính phủ với các nhà ĐTNN diễn ra tại Hà Nội mới đây.

Các nhà ĐTNN cũng thừa nhận và đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn nhằm tạo ra những chuyển mới trong thu hút ĐTNN.

 

Theo họ, một trong những thay đổi đáng chú ý là Việt Nam đã giảm thuế thu nhập của người nước ngoài từ 50% xuống 40%, đồng thời nâng mức thu nhập chịu thuế của người Việt Nam từ 3 triệu đồng lên 5 triệu đồng; sửa đổi các điểm kém hấp dẫn trong quy định hiện hành về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; gỡ bỏ hạn chế về tỷ lệ 3% lao động người nước ngoài trong doanh nghiệp; cắt giảm chi phí vé máy bay, cước viễn thông, giá điện cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN…


Ngay từ đầu năm 2005 nhiều chính sách mới cũng đã được ban hành vì lợi ích của các nhà đầu tư. Cụ thể là Nghị định 11/2005/NĐ-CP giữa tháng 2 năm 2005 đã bãi bỏ quy định hạn chế mức giá thanh toán cho chuyển giao công nghệ, cho phép đa dạng phương thức thanh toán và đặc biệt là bỏ quy định về giới hạn 20% giá trị góp vốn bằng công nghệ.

 

Công văn số 1854/VPCP của Văn phòng Chính phủ đồng ý với đề nghị của bộ Kế hoạch và Đầu tư về bãi bỏ quy định khống chế sản lượng theo luận chứng kinh tế kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy hai bánh có vốn ĐTNN... Đáng chú ý là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/2005 bao gồm các giải pháp cơ bản nhằm tạo ra chuyển biến mới trong thu hút FDI tại Việt Nam.…


“Các doanh nghiệp của Eurocharm rất tin tưởng vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việc luật Doanh nghiệp và Đầu tư chung đang được soạn thảo, những cải thiện trong lĩnh vực thuế và chuyển giao công nghệ, việc khai trương Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đẩy nhanh cổ phần hoá và phát hành trái phiếu ra công chúng… là những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurochar) nhận xét.

 

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tỏ ra hài lòng khi 85/125 tiểu mục của Sáng kiến chung Việt - Nhật đã được khởi động và đặc biệt là một số tiểu mục trong đó đã hoàn thành.
Xu hướng tăng trưởng vốn ĐTNN vào Việt Nam đã được dự báo từ trước, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để nói tới một “làn sóng” mới.

 

 “Kết quả thu hút ĐTNN tuy tăng đáng kể so với các năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với tiềm năng, so với các nước trong khu vực và bản thân nhu cầu thu hút vốn cho tăng trưởng của đất nước”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nhận xét.


Giới phân tích cho rằng, điều mà nhiều nhà ĐTNN quan tâm hiện nay là liệu Việt Nam có sớm gia nhập WTO, đồng thời có tích cực áp dụng những định chế mới cho phép tạo ra một sân chơi công bằng cho cả đầu tư trong và ngoài nước hay không.

 

“Sự công bằng và môi trường kinh doanh có thể dự đoán trước được xem là những yếu tố còn quan trọng hơn cả những ưu đãi đầu tư”, một nhà đầu tư nước ngoài nhận định. Rất có thể khi môi trường kinh doanh phát triển ở mức độ cao hơn thì Việt Nam hoàn toàn có thể biến hy vọng về một “làn sóng đầu tư” lớn thành hiện thực.

 

Theo Đầu tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm