1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Huỵch toẹt” chuyện lương bổng của phi công Vietnam Airlines

Phi công Vietnam Airlines đang có thu nhập 200 triệu đồng/tháng - Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh đã nói "huỵch toẹt" mức thu nhập của phi công trong tổng công ty, trước làn sóng đòi ra đi của nhiều phi công muốn sang làm việc tại một hãng hàng không khác.

“Huỵch toẹt” chuyện lương bổng của phi công Vietnam Airlines
 
Theo ông Phạm Ngọc Minh, các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines trả thấp hơn bên Vietjet Air dẫn đến việc họ xin nghỉ hàng loạt là không đúng. Trả lời báo Pháp luật TPHCM, CEO của Vietnam Airlines cho biết: “Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và lao động ở các lĩnh vực khác ở Việt Nam. Hơn nữa hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia nên không thể đòi hỏi như vậy. Nếu anh là hàng không tư nhân thì câu chuyện đồng lương đó là đúng...”
 
 
Ở Vietnam Airlines, lương của chủ tịch HĐTV Phạm Viết Thanh và lương của tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh đang hưởng mức lương xê xích 45 - 50 triệu đồng. Mỗi năm tùy theo hiệu quả kinh doanh, người làm việc cho Vietnam Airlines được hưởng từ 15 – 18 tháng lương.
 
Ông Minh cũng cho biết về đòi hỏi của phi công về chỗ ăn ở theo giới phi công là không thỏa đáng, hiện tổng công ty đã bố trí cho các phi công được ăn ở ngoài khách sạn.
 
Tuy nhiên, đấy là theo đòi hỏi của các phi công. Từ lâu vẫn có một cơ trưởng Boeing 777 thường xuyên ăn ở nhà công vụ trong đoàn bay 919 là ông Phan Xuân Đức - đang giữ chức Phó TGĐ Vietnam Airlines phụ trách khối khai thác. Cơ sở vật chất của căn phòng công vụ này, đúng thật là "tuềnh toàng".
Sự chênh lệch giữa lương phi công “nội” và phi công “ngoại” khiến nhiều phi công ở Đoàn bay 919 lên tiếng phản ứng. Cách đây 4 năm, phi công Đoàn bay 919 đã yêu cầu có cuộc họp riêng với lãnh đạo Vietnam Airlines để chất vấn về vấn đề lương bổng. Câu hỏi chính được đưa ra là: Tại sao với năng lực tương đương nhau, lương bổng của phi công Việt Nam thấp hơn quá nhiều so với phi công thuê từ nước ngoài.
 
Lời giải đáp được lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra là “thuê phi công nước ngoài, chúng tôi không phải tốn chi phí đào tạo”.
 
Chi phí đào tạo một phi công căn bản được biết lên đến 2,5 tỉ đồng, sau đó, người phi công này còn phải bay thực tế nhiều ngàn giờ nữa mới có thể trở thành cơ phó hay cơ trưởng, trong đó có một thời gian đi học ở nước ngoài. Chưa kể trong quá trình làm việc, Vietnam Airlines còn phải tổ chức các khóa học đào tạo tiếp theo để phân cấp và chuyển loại phi công.
 
Hiện Vietnam Airlines là hãng hàng không duy nhất tại VN có khả năng tự đào tạo một phần về nghiệp vụ cho phi công và học phải chi những khoản đầu tư đào tạo rất lớn để chủ động được nguồn nhân lực cấp cao.
 
Theo chính sách của Vietnam Airlines, trước khi đào tạo cơ bản (bằng kinh phí của tổng công ty), phi công cần phải ký hợp đồng đào tạo , cam kết sau khi kết thúc khóa học thành công, phi công sẽ phải ký hợp đồng lao động, làm việc cho Vietnam Airlines trong 15 năm.
 
Việc các phi công “hậm hực” đòi ra đi đã âm ỉ diễn ra từ tháng 10.2014 khi Ban Tổ chức cán bộ và Lao động tiền lương đã nhận được hơn chục lá đơn xin nghỉ của phi công Đoàn bay 919.
 
Theo số liệu Bizlive công bố, hiện lượng phi công “nội” của Vietnam Airlines là khoảng 600 người, đáp ứng  gần 70% nhu cầu cần khai thác. Điểm đến của các phi công, tuy không nói rõ, nhưng giới trong ngành ai cũng hiểu họ sẽ chuyển sang làm việc cho hàng Viet Jet.
 
Với kế hoạch phát triển không ngừng, Viet Jet đang có nhu cầu lớn về việc tuyển dụng nhân lực cao cấp trong ngành hàng không, vốn là ngành đào tạo đặc thù tại Việt Nam.
 
Tháng 11.2013 cũng đã xảy ra hiện tượng hàng loạt nhân viên của Vietnam Airlines đang làm việc tại Công ty Kỹ thuật hàng không VAECO gửi đơn kêu cứu đến báo điện tử Một Thế Giới vì bị Vietnam Airlines ép ký hợp đồng lao động ràng buộc phải làm việc cho Vietnam Airlines trong 20 năm.
 
Thực tế, những nhân viên này muốn sang Vietjet làm việc với mức lương cao gấp 3 lần mà họ quên mất mình đang làm việc cho một hãng hàng không quốc gia, vốn phải chịu nhiều phí tổn trong việc đầu tư đào tạo họ trở thành một nhân viên kỹ thuật cấp cao.
Trước nguy cơ ra đi hàng loạt này,  Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục hàng không tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ  thuật cao của Vietnam Airlines nhằm tránh gây xáo trộn và ảnh hưởng đến an toàn bay.
 
Trao đổi với Một Thế Giới, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết việc cấp giấy phép bay thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không dân dụng. Do đó, Bộ GTVT chưa đồng ý chuyển đổi công tác, các phi công chưa thể tự ý bay cho hãng hàng không khác được.
 
Hiện Vietnam Airlines đang đối diện với áp lực rất lớn là lịch bay tết hàng năm. Sự bất ổn về nhân lực phi công đúng vào dịp cuối năm có thể gây tác động xấu đến nhiệm vụ chính trị của tổng công ty được Đảng và nhà nước giao phó.
 
Theo Võ Song Hoài
Một Thế giới

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm