Huy động hàng triệu doanh nhân hiến kế phát triển đất nước

(Dân trí) - Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế số, công nghệ cao. Cuộc vận động của Đảng bên cạnh giới doanh nhân nói chung cần kêu gọi giới doanh nhân kinh tế số đóng góp nhiều hơn chính sách phát triển đất nước.

Góp ý vào nội dung cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” sắp được Ban Kinh tế Trung ương, cùng các cơ quan liên quan phát động tới đây, PGS, TS Trần Đình Thiên, cùng rất nhiều học giả đã nêu nhiều quan điểm, góc nhìn của mình về cuộc vận động lớn này.

Huy động hàng triệu doanh nhân hiến kế phát triển đất nước - 1

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo Phó giáo sư Thiên, hiện nay lực lượng quan trọng bậc nhất của kinh tế thị trường là doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, như Tổng Bí thư nói: vẫn còn bị kì thị, phân biệt, những ưu đãi vẫn chỉ cho những lực lượng khác như doanh nghiệp FDI, rồi cách tiếp cận giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự công bằng.

Theo ông Thiên, thời đại mới công nghiệp sẽ hướng đến dịch vụ công nghệ cao, công nghệ thông tin, thương mại số, kinh tế số. Điều này sẽ hình thành các doanh nghiệp kinh tế số, doanh nhân kinh tế số lớn mạnh.

"Cách tiếp cận mới phải thay đổi từ tư duy xây dựng thể chế, thay đổi tư duy hướng đến lắng nghe ý kiến, phản biện của những chủ nhân mới của kinh tế đất nước và kinh tế thế giới", ông Thiên chia sẻ.

Theo các chuyên gia, hiện thế giới đang hình thành rất nhiều tỷ phú, thương nhân xây dựng được hệ sinh thái kinh tế bằng công nghệ số, thương mại số như Jackma với Alibaba của Trung Quốc; các đế chế của Amazon, Apple, Samsung... đều xây dựng được các tập đoàn lớn từ các doanh nghiệp tư nhân bản địa, qua thời gian phát triển họ hùng mạnh và đưa nền kinh tế các quốc gia nơi sản sinh ra cất cánh.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, gần 6 triệu thực thể kinh doanh... Tuy nhiên, đông nhưng không mạnh.

"Việt Nam cần chính thức hóa, coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển theo xu hướng của các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư....Bằng cách đó chúng ta vừa nâng cấp hệ thống doanh nghiệp Việt vừa giúp chất lượng doanh nghiệp thay đổi hơn", ông Lộc nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FIIN Group cho rằng: Hiện rất ít doanh nghiệp Việt tham gia được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, họ sẽ bất lợi trong nền kinh tế mở hiện nay.

Huy động hàng triệu doanh nhân hiến kế phát triển đất nước - 2

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FIIN Group

"Nền kinh tế Việt Nam hiện đang có sự không công bằng giữa doanh nghiệp nội với doanh nghiệp ngoại. Doanh nghiệp ngoại được hưởng nhiều ưu đãi, thuê đất giá rẻ trong khi chuyển giá khá dễ. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt vất vả, chịu nhiều cạnh tranh lớn".

Chính vì vậy, theo ông Thuân, Chính phủ cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, trong đó có nâng quy mô vừa và lớn của các doanh nghiệp trong nước để có thể khai thác thị trường nội địa và cạnh tranh sòng phẳng.

"Đảng và Nhà nước nên tạo điều kiện hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân trong một số ngành cụ thể để có thể tận dụng được lợi thế trên sân nhà và trước khi xuất khẩu. Gần đây các tập đoàn lớn được hỗ trợ trong ngành ô tô, nhưng một số ngành vẫn thiếu và yếu", ông Thuân nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nói: Thông qua Cuộc vận động lần này thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương đường lối của Đảng đến với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Huy động hàng triệu doanh nhân hiến kế phát triển đất nước - 3

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc Vận động

"Qua cuộc vận động, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ thể hiện được ý thức trách nhiệm của mình đối với dân tộc, đối với xã hội bằng những hoạt động cụ thể trong sản xuất kinh doanh cũng như tiếng nói góp phần vào các chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đi nhanh vào cuộc sống hơn", ông Bình cho biết.

Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” sẽ kéo dài đến hết 31/12/2019. Lễ Phát động diễn ra tại Hà Nội vào ngày 3/9 tới.

Nguyễn Tuyền