1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Hút” khách qua giao dịch trực tuyến

(Dân trí) - Phát triển hệ thống giao dịch trực tuyến đã trở thành hướng đi tất yếu của các công ty chứng khoán (CTCK). Nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư, hàng loạt CTCK đẩy mạnh loại dịch vụ phi truyền thống này với nhiều tiện ích nhằm “hút” khách hàng.

Giao dịch trực tuyến, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán đang ngày càng được chú trọng. Cuộc chạy đua cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến được đánh dấu thời điểm khởi sắc vào thời điểm đầu năm và nay (tháng 11/2008) lại “bùng nổ”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc ứng dụng giao dịch trực tuyến trên thị trường chứng khoán hiện nay còn khá mới nên đa phần CTCK đang trong giai đoạn tìm kiếm các phần mềm phù hợp để triển khai.

Tuy nhiên, về cơ bản, giao dịch trực tuyến sẽ cải thiện được một số hạn chế của hệ thống giao dịch trong thời gian qua như: số lượng lệnh được nhập vào hệ thống sẽ nhiều lên, xác suất lệnh được khớp cao hơn, việc hủy và sửa lệnh sẽ giảm...

Ví dụ như với công cụ Giao dịch chứng khoán trực tuyến (Power.Trade) của Chứng khoán Gia Phát (GPS), ngoài việc nhà đầu tư có thể mở tài khoản trực tuyến, trực tiếp tự đặt lệnh online vào sàn HoSE/HaSTC thay cho việc đặt lệnh thông qua nhân viên môi giới, hệ thống này còn có chức năng quản lý danh mục đầu tư và phân tích, cảnh báo lãi/lỗ (rủi ro) tức thời đối với hiện tượng tăng/giảm giá chứng khoán.

Nhà đầu tư còn được hỗ trợ công cụ quản lý tài khoản thông minh như: truy vấn số dư tiền/chứng khoán, giá trị giao dịch, lãi/lỗ tạm tính ngay sau khi khớp lệnh.

Công ty CP Chứng khoán Vincom (VincomSC) lại tung ra hệ thống giao dịch trực tuyến Vtrade, giúp nhà đầu tư theo dõi tức thời tình trạng lệnh của mình. Đặc biệt, tại VincomSC, nhà đầu tư có thể đặt lệnh trước 7 ngày giao dịch bằng lệnh GTD (Good till date).

Hệ thống phần mềm giao dịch của VincomSC cho phép một lượng lớn lệnh đặt tại cùng thời điểm mà vẫn đảm bảo được tốc độ giao dịch.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc xoay vòng vốn, bên cạnh dịch vụ ứng trước trực tuyến vừa được thực hiện, VincomSC) còn phối hợp với BIDV hỗ trợ cho vay cầm cố chứng khoán niêm yết. Chứng khoán cầm cố là chứng khoán của công ty niêm yết tại hai sàn giao dịch, có mức vốn điều lệ tính đến thời điểm thực hiện cho vay tối thiểu là 30 tỷ đồng.

Là một những công ty sớm đầu tư cho công nghệ với các sản phẩm giao dịch trực tuyến, CTCK Tân Việt (TVSI) tiếp tục khởi động cuộc đua công nghệ dịch vụ chuyển tiền và ứng trước trực tuyến (online money transfer & advanced money services).

Chỉ cần 1 máy tính kết nối internet và vài thao tác đơn giản, khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền đến 1 tài khoản khác hoặc đặt lệnh yêu cầu ứng trước tiền mọi lúc mọi nơi, có thể linh hoạt sử dụng nguồn vốn của mình như lập tức mua chứng khoán khác trong phiên hoặc chuyển tiền đã bán chứng khoán qua tài khoản khác mà không phải mất nhiều thời gian chờ đợi như trước…

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, hàng loạt CTCK tuyên bố đóng cửa các đại lý nhận lệnh, ví dụ như: CTCK Bảo Việt đóng cửa đại lý nhận lệnh Kim Liên, CTCK VPBank đóng cửa phòng giao dịch Trung Hoà - Nhân Chính, CTCK Mê Kông đóng cửa phòng giao dịch Nguyễn Khắc Cần…

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những “cung bậc trầm”, kinh doanh khó khăn khiến một loạt CTCK đóng cửa các đại lý nhận lệnh, phòng giao dịch để tiết giảm chi phí. Thay vào đó, các CTCK hướng tới việc cung cấp các dịch vụ cho nhà đầu tư bằng những kênh phi truyền thống, tăng cường đầu tư công nghệ để phục vụ nhà đầu tư từ xa, thông qua giao dịch trực tuyến.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Môi giới GPS: “Giao dịch trực tuyến sẽ ngày càng hoàn thiện cả về yếu tố công nghệ và yếu tố con người. Tính bảo mật ngày được nâng cao, các sản phẩm phái sinh đi kèm với hệ thống giao dịch trực tuyến nhằm đem lại tiện ích tối đa cho nhà đầu tư cũng được chú ý phát triển…Tôi nghĩ rằng giao dịch trực tuyến sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm