Huế: Nhiều dự án du lịch ven biển “chết yểu”

(Dân trí) - Tại Thừa Thiên Huế, tập trung nhiều nhất các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển “treo” thuộc về huyện Phú Lộc gây lãng phí đất đai.

Vừa mới đầu năm 2015, UBND tỉnh đã rút giấy phép kinh doanh 15 dự án “treo” thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) trong đó có nhiều dự án du lịch ven biển gồm: Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô; Khu du lịch bến thuyền và CLB thể thao dưới nước Lăng Cô; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An…

Qua khảo sát thực địa của PV tại huyện Phú Lộc, ngoài các dự án mới bị thu hồi trên, còn rất nhiều khu du lịch bị hoang hóa, hay vẫn còn ở “giấy” như resort Nirvana từ lúc đi vào xây dựng, chạy thử nghiệm một thời gian ngắn hiện đã bỏ hoang. Hiện gió biển kèm theo cát nhiều thổi vào đã làm hư hại khá nhiều vật dụng ở resort.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên

Ở thị trấn Lăng Cô của huyện này, dự án khu du lịch xanh Lăng Cô do Tổng Công ty CP Xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư được cấp phép từ năm 2004 với diện tích 6,3 ha nằm ở vị trí rất đẹp gần bãi biển Lăng Cô và Quốc lộ 1A. Nhưng hơn chục năm qua, dự án vẫn chưa thấy triển khai gì khiến nhiều cử tri địa phương trong các cuộc họp bức xúc.

Hiện ở thị trấn Lăng Cô có khoảng chục dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép nhưng bị “treo” suốt nhiều năm trời của các công ty như Đất Việt, Gia Minh Conic, Thương mại Việt... gây lãng phí đất đai. Một số resort khác xây dở phần móng, hay vài nhà lên rồi bao hàng rào lại đã làm một dải bờ biển đẹp hoang sơ ở huyện này như “miếng bánh bị gặm dở”.

Một resort tại huyện Phú Lộc chỉ có nhà ở tạm và hàng rào giăng dây thép gai dang dở

Một resort tại huyện Phú Lộc chỉ có nhà ở tạm và hàng rào giăng dây thép gai dang dở

Còn tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec – Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam được cấp phép thực hiện từ năm 2008, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 trên diện tích 70ha, tổng kinh phí thực hiện 600 tỷ đồng. Nhưng đến nay, do hết tiền nên dự án chỉ mới “thành hình” với bộ nền móng đứng chỏng chơ bên biển.

Do hoang hóa quá lâu, nên đã dẫn đến những hệ lụy tại những dự án du lịch bỏ hoang. Cụ thể ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc đang xảy ra tình trạng người của dự án resort lấy cát đem đi bán khi dự án chưa được triển khai.

Ông Bùi Ngọc Ga, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho hay “Đơn vị lấy cát đem ra ngoài bán là Khu du lịch Thiên Đường, làng Xanh. Gặp chúng tôi khi đang chở đất, cát thì họ nói là đang giải phóng mặt bằng, thi công resort, còn khi không có ai thì kêu người tới bán đất cát. Cơ quan đã vài lần phát hiện, xử phạt nhưng rồi cũng “bó tay” vì không có người theo sát”.

Một resort tại huyện Phú Lộc chỉ có nhà ở tạm và hàng rào giăng dây thép gai dang dở
Nhiều đất, cát tại resort ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc bị lấy đi bán khiến bãi biển không còn “lành lặn”, gây thất thoát tài nguyên môi trường

Hiện tại, ngoài các dự án du lịch ven biển đã được thu hồi và rút giấy phép kinh doanh, nhiều dự án du lịch “chết yểu” còn tồn tại vẫn gây bức xúc khi dự án làm cũng không làm, dừng cũng không dừng gây lãng phí đất đai. Đã có nhiều khu vực dự án do bỏ hoang quá lâu đã dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa, cát biển ngày càng vùi lấp màu xanh của thảm thực vật ven biển khi không có bàn tay chăm sóc của con người. Nhiều nơi người dân cần đất nhưng đành phải chờ, hay ở trúng trong khu quy hoạch dự án thì nhà xây dựng không được, tách thửa cũng không xong.
 
Tình trạng sa mạc hóa tại 1 resort chỉ có bảng giới thiệu tại huyện biển Phú Lộc

Tình trạng sa mạc hóa tại 1 resort chỉ có bảng giới thiệu tại huyện biển Phú Lộc
 
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng ở Huế phải làm quyết liệt hơn nữa đối với các dự án du lịch “treo” tại khu vực ven biển để đem tới khả năng khai thác có hiệu quả với vùng đất biển vẫn đang còn khá giàu tiềm năng này.
Đại Dương
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”