HSBC: Kinh tế Việt Nam đã "vượt khỏi vòng nguy hiểm"

(Dân trí) - Với điều kiện sản xuất được cải thiện mạnh mẽ, cao nhất trong 9 tháng qua, HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam đã vượt khỏi vòng nguy hiểm. Khối nghiên cứu này nhận xét, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể hồi phục trên 10%, song tăng trưởng GDP có thể chỉ đạt 6,3% trong năm nay.

Trong khi đang có những mối quan ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế trong quý I thì mới đây, khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC đã công bố bản báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam với tiêu đề "vượt khỏi vòng nguy hiểm".

HSBC cho biết, trái ngược với tình hình PMI (chỉ số đo lường điều kiện sản xuất) ảm đạm trong toàn khu vực, chỉ số này của Việt Nam đã nhảy vọt lên 52,3 điểm trong tháng 4/2016, đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua.

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý I giảm tốc với khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong quý I giảm tốc với khu vực nông nghiệp tăng trưởng âm đặt ra thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong cả năm 2016.

Nguyên nhân được cho biết chủ yếu do sản lượng, số đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu đều tăng mạnh. "Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục duy trì trong nhiều tháng tiếp theo" - báo cáo HSBC cho hay, đồng thời nhận định, điểm sáng về việc làm tiếp tục tăng trưởng cho thấy các nhà sản xuất vẫn tự tin vào triển vọng kinh doanh.

Trong bản báo cáo này, HSBC cũng đưa ra nhận định cho rằng, khả năng phục hồi của nền sản xuất phản ánh Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng thị phần toàn cầu trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang suy yếu. Tuy nhiên, thành quả này chủ yếu đạt được lại là nhờ nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vẫn không ngừng tăng trong năm 2016. Nguồn FDI giải ngân tăng 3,5 tỷ USD từ đầu năm đến tháng 3 năm nay, đánh dấu mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt 6% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ trong tháng 4, trong khi chỉ số này chỉ dừng ở mức 4,1% trong tháng 3. Theo đánh giá của HSBC, mức độ tăng trưởng tuy không cao như cùng kỳ năm trước nhưng đà tăng trưởng đã được cải thiện. Đơn hàng điện thoại thông minh (bao gồm cả toàn điện thoại và linh kiện điện thoại) vẫn là động lực cho sự phát triển, tăng 25% từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ theo số liệu tháng 4/2016 (từ 13,6% cùng kỳ năm trước).

HSBC cho hay, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ trong quý I/2016 một phần là nhờ Samsung (nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam) cho ra mắt sản phẩm mới. Trong khi đà sản xuất ở các nước còn lại trong khu vực vẫn dậm chân tại chỗ, kinh tế Việt Nam hồi phục bền vững hơn nhờ nguồn FDI mới.

Nhóm nghiên cứu kỳ vọng nguồn FDI sẽ giúp phục hồi tăng trưởng xuất khẩu từ 7,9% năm 2015 lên 10,1% so với cùng kỳ trong năm 2016. Sự hồi phục của khu vực sản xuất sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong khi hoạt động ở các ngành chính đang suy yếu do tác động của hiện tượng El Nino.

Ngoài ra, tại báo cáo này, HSBC cũng đưa ra nhận định, mặc dù lạm phát đang tăng, nhưng áp lực giá cả vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Do đó, tổ chức này dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ không vội tăng lãi suất, đặc biệt khi dự báo tăng trưởng của Việt Nam đã giảm từ 6,6% trong năm 2015 xuống còn 6,3% trong năm nay.

Trong một diễn biến liên quan, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, Chính phủ cho biết, mặc dù có nhiều thách thức nhưg kiên quyết không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 6,7%, kiểm soát tốt lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu của Chính phủ là vừa bảo đảm được ổn định vĩ mô nhưng vẫn bảo đảm tốc độ tăng trưởng, hai mục tiêu này rất quan trọng.

Bích Diệp

HSBC: Kinh tế Việt Nam đã "vượt khỏi vòng nguy hiểm" - 2