Họp "nóng" về xăng dầu: Liên minh chủ cây xăng khóc ròng, than lỗ nghìn tỷ

Văn Hưng

(Dân trí) - Giai đoạn cao điểm, đại diện nhóm doanh nghiệp bán lẻ với 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước cho biết số lỗ lên tới 900 tỷ đồng/tháng. Không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tạm ngừng kinh doanh.

Sáng 14/2, Bộ Công Thương và VCCI tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu" với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu. Tại cuộc họp này, toàn bộ ghế trong hội trường đều kín khách, không ít người tham dự phải đứng vì... hết ghế.  

Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (ở Hà Giang), cho biết nhóm doanh nghiệp bán lẻ của ông có 9.000 trên tổng số 17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước. Với mỗi cửa hàng, chi phí tối thiểu một tháng ước khoảng 100 triệu đồng. Số này bao gồm lương nhân viên 30 triệu đồng; khấu hao 30 triệu đồng; điện nước, bảo vệ 10 triệu đồng; thuê đất, sửa chữa hao hụt 10 triệu đồng; chi phí kế toán, trả lãi ngân hàng 20 triệu đồng.

"Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời cao điểm nhất là 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh", ông Tùng nói.

Đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở Hà Giang kiến nghị ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối.

Bên cạnh đó, ông Tùng đề nghị quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Cụ thể, chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3-5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2-2,5%.

Đồng quan điểm, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - cho rằng chi phí, lợi nhuận định mức xăng dầu cần phải chia 3 khâu gồm đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Theo ông, mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ phải bằng 5-6% giá bán, còn lại cơ quan chức năng trực thuộc cần tính toán cho hợp lý.

Họp nóng về xăng dầu: Liên minh chủ cây xăng khóc ròng, than lỗ nghìn tỷ - 1

Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (Ảnh: Văn Hưng).

Ngoài ra, Nghị định về kinh doanh xăng dầu cần phải có quy định về mức chiết khấu tối thiểu, cụ thể xem chiết khấu như một khoản chi phí trong kinh doanh xăng dầu. Điều này giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống biến động của thị trường.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Dầu khí Hải Long, đề xuất doanh nghiệp bán lẻ được mua hàng từ nhiều đầu mối.

"Nếu có 1-2 hay thậm chí 3 đầu mối có hợp đồng mua bán xăng dầu với thương nhân phân phối đều bị xử phạt, đình chỉ giấy phép khi xảy ra sai phạm như thời gian vừa qua thì thương nhân biết nhập hàng từ đâu? Chưa kể, các đầu mối có thể liên kết ép giá, khống chế chiết khấu cho thương nhân phân phối", ông Toàn nói.

Đại diện thương nhân phân phối xăng dầu, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai, cũng kiến nghị đến cơ quan soạn thảo một số vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối khi sửa đổi quy định.

Cụ thể, ông Phụng cho rằng đề xuất "thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác" cho thấy dấu hiệu của sự đứt gãy nguồn cung. Thương nhân phân phối giữ vai trò đưa hàng từ đầu mối, phân bổ nguồn hàng đến các vùng miền trên cả nước, góp phần cung ứng tốt hơn xăng dầu cho tiêu dùng ở mọi miền đất nước.

Vì vậy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét không hạn chế số lượng đầu mối mà thương nhân phân phối được nhập hàng và tiếp tục cho các thương nhân phân phối nhập hàng của nhau.