Hộp mứt lục lăng thắt nơ đỏ - Ký ức Tết "huyền thoại" của người Hà Nội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Cùng với cành đào, cây quất, hộp mứt lục lăng gói trong giấy bóng kính thắt nơ đỏ đã trở thành biểu tượng ngày Tết trong tiềm thức của biết bao thế hệ người Hà Nội.

Đến hẹn lại lên, khi hoa đào còn chưa về trên phố thì những hộp mứt Tết in hình ba ông Phúc Lộc Thọ đã được bày trên những kệ hàng phục vụ Tết. Từ cái thời bao cấp gian khó, đến nay trải qua gần sáu thập kỷ, hộp mứt Tết chân phương của Bánh mứt kẹo Hà Nội vẫn luôn gắn bó với biết bao thế hệ người Tràng An. Nó trở thành điều gì đấy gần gũi, thân quen như một dấu hiệu nhận biết; dù không cần nói ra, song bất kỳ ai khi nhìn thấy cũng đều có chung một cảm nhận "A! Tết đến rồi".

Hộp mứt màu hoa đào của thời tem phiếu

Ngược về thập niên 60 của thế kỷ trước, vào khoảng ngày 20 đến 23 tháng Chạp là người Hà Nội lại tất bật dậy từ tờ mờ sáng tinh sương trong cái rét ngọt - gọi là ngọt nhưng lại tê tái đến cắt da cắt thịt - để xếp hàng sắm cho mình những nhu yếu phẩm, thực phẩm,... đón Tết. Đồ khô như miến, măng thì phải đổi từ trước đấy cả tháng để không bị hết hàng.

Hàng Tết được cấp cho khi ấy không dồi dào và đa dạng, song cũng đủ để làm nên những món ăn cổ truyền. Đặc biệt, sản vật không thể thiếu của Tết bao cấp là rượu vang Thăng Long và Mứt Tết thập cẩm của Xí nghiệp Bánh mứt kẹo Hà Nội.

Hộp mứt lục lăng thắt nơ đỏ - Ký ức Tết huyền thoại của người Hà Nội - 1
Hộp mứt Tết hoa đào "huyền thoại" của thời bao cấp.

Những đứa trẻ thời ấy - bây giờ có khi đã lên ông lên bài - được mẹ sai đi xếp hàng sắm đồ Tết mà mang về được đỗ xanh, thịt mỡ cùng hộp mứt Tết vẽ hình cành đào xinh xinh thì được coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Cầm hộp mứt trên tay, trẻ con dù thèm đến mấy cũng không dám ăn vụng miếng nào mà phải đợi qua sáng mùng 1 thắp hương xong, mẹ bóc cái hộp giấy hoa đào mỏng mảnh ra mới dám nhón tay lấy mứt. Và đương nhiên, thứ đầu tiên phải là viên kẹo trứng chim. Ngày ấy, mấy đứa có anh chị em nhìn mấy đứa là con một thì ghen tị vô cùng vì "chúng nó không phải tranh giành từng viên trứng chim với ai cả".

Tự nhiên nhi nhiên, mứt Tết Hà Nội cứ thế mà đồng hành cùng người dân Thủ Đô qua biết bao cái Tết. Kể cả sau giai đoạn Đổi Mới, đời sống nhân dân có khấm khá hơn thì hộp mứt Tết thập cẩm vẫn luôn có mặt trong các gia đình mỗi dịp xuân về Tết đến, vẹn nguyên như những ngày xưa. Nếu có khác, thì là khác ở sự thay đổi từ hộp chữ nhật sang hộp lục lăng bọc trong giấy bóng kính, tết chiếc nơ đỏ thắm chào xuân mới.

Mảnh ghép ký ức không thể thiếu trên bàn trà Tết của người Hà Nội

Từ một sản vật của Tết bao cấp, hộp mứt lục lăng thắt nơ đỏ dần khắc sâu vào tâm trí của mỗi người con Hà Thành như cành đào, bó mùi già ngày Tết.

Ngày nay, giữa thị trường quà bánh hiện đại đa dạng với bao bì hào nhoáng đẹp mắt, hộp mứt Tết thắt nơ đỏ đơn sơ tưởng như lạc lõng, song vẫn luôn có một vị trí nhất định trên bàn trà của người Hà Nội. Trong tâm trí người dân Thủ Đô, mứt Tết không chỉ là một thức quà nhất định phải có trên bàn nước mời khách đến chơi nhà mà còn là miền ký ức đầy thương nhớ về một thời "nghèo khó nhưng lạc quan, vui vẻ".

Hộp mứt lục lăng thắt nơ đỏ - Ký ức Tết huyền thoại của người Hà Nội - 2
Mứt Tết Hà Nội là mảnh ghép ký ức không thể thiếu trên bàn trà của người dân Thủ Đô mỗi dịp Tết đến xuân về.

Năm mới gặp nhau song thường ôn lại chuyện cũ, bên bàn trà tiếp khách, mứt Tết Hà Nội chính là mảnh ký ức "xúc tác" gợi nhắc những kỷ niệm xưa, những năm tháng hồn nhiên, ngọt ngào và nồng ấm như viên kẹo trứng chim, thanh bí khẩu, miếng mứt gừng. Cứ thế, mứt Tết Hà Nội đi vào truyền thống, để rồi được lớp người Hà Nội trẻ - những thanh niên 9x thuộc thế hệ mang tên Millenials yêu mến và gọi hộp mứt lục lăng thắt nơ là "huyền thoại". Những tình cảm nhỏ bé, giản dị vậy thôi nhưng cũng đủ trở thành động lực để thương hiệu Bánh mứt kẹo Hà Nội duy trì viết tiếp truyền thống, bảo tồn ký ức và cái Tết của người Hà Nội và mang đến những sản phẩm bất biến qua năm tháng.

Tết này bạn đã chuẩn bị bánh mứt Hà Nội mời khách chưa?