1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mua bán, sáp nhập - cuộc đào thải ngân hàng:

Hợp lực để phát triển

Câu chuyện mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng (NH) đã được nhắc đến nhiều năm nay, song, trên thực tế mới chỉ có vài thương vụ được thực hiện, trong đó chỉ có một thương vụ sáp nhập lớn, còn lại là bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Theo các chuyên gia, đã đến lúc việc M&A trong lĩnh vực NH cần được triển khai rộng rãi, góp phần giúp hệ thống NH phát triển lành mạnh hơn…

 

Hợp lực để phát triển   - 1
Ngày 29/7/2011, Ngân hàng Liên Việt sáp nhập với Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện.

 

Những thương vụ đáng chú ý

 

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, việc M&A là chuyện khá phổ biến, nhưng ở nước ta đây vẫn là chuyện hết sức mới mẻ, nhất là trong ngành NH. Từ đầu năm đến nay, mặc dù hoạt động M&A trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đều là những thương vụ đáng chú ý.

 

Đó là NHTMCP Công thương (VietinBank) bán 10% cổ phần cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC), NHTMCP An Bình (ABBank) bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank (Malaysia), NH Phát triển Mê Kông (MDB) bán 15% cổ phần cho đơn vị đầu tư thuộc Tập đoàn Temasek Holdings (Singapore) và NHTMCP Quốc tế (VIB) bán 5% cổ phần cho Commonwealth Bank (Australia)... VietinBank đang hoàn tất thủ tục bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Nova Scotia (Canada), dự kiến từ nay đến cuối năm, VietinBank sẽ mua 30% cổ phần tại Ngân hàng Phát triển Lào.

 

Thương vụ M&A lớn nhất trong lĩnh vực NH từ trước đến nay phải nói đến Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPOST) góp vốn vào NHTMCP Liên Việt (LienVietBank) với việc sáp nhập Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và LienVietBank. Hai đơn vị này đã hoàn tất việc sáp nhập, với tên gọi mới là NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LPB).

 

VPSC có tổng số vốn góp 997 tỷ đồng, tương đương 14,99% vốn điều lệ NH, trong đó 360 tỷ đồng là giá trị của chính VPSC, phần còn lại sẽ được VNPOST góp nhiều lần bằng tiền mặt. Thương vụ đặc biệt này đã cho ra đời mô hình NH bưu điện đầu tiên tại Việt Nam, kết hợp giữa NHTM truyền thống với dịch vụ tiết kiệm bưu điện.

 

Nhờ việc kết hợp với VPSC, vốn điều lệ của LPB tăng từ 5.650 tỷ đồng lên 6.010 tỷ đồng, địa bàn hoạt động của LPB được mở rộng so với trước khi sáp nhập, bởi LPB được sử dụng hơn 10.000 điểm giao dịch trên toàn quốc mà VPSC đã triển khai trước đó. Ấy là chưa kể, số lượng khách hàng của LPB cũng sẽ tăng mạnh.

 

Nhiều chuyên gia nhận định, đây là thương vụ sáp nhập chưa có tiền lệ trong ngành NH, khi một tổng công ty nhà nước góp vốn vào một NHTMCP bằng cả tiền và giá trị của một công ty thành viên. Trong lịch sử ngành NH chưa từng có trường hợp một đơn vị không phải thuộc ngành tài chính - NH sáp nhập với NH.

 

M&A là giải pháp để phát triển

 

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế, vì chưa quen với những thương vụ mua bán, sáp nhập trong ngành vì chưa từng có NH nào trước LPB thực hiện việc sáp nhập, nên thông tin LienVietBank hợp nhất với VPSC đã gây hiểu lầm cho không ít người. Tình trạng người dân tập trung đến các điểm giao dịch của hệ thống tiết kiệm bưu điện để rút tiền đã xảy ra vì hiểu nhầm là đơn vị này bị giải thể. Lượng tiền bị rút trên tổng số dư tiền gửi tiết kiệm bưu điện không nhỏ.

 

Theo TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LPB, đây là bài học cho những đơn vị định thực hiện việc M&A. NH được coi là một ngành nhạy cảm, nên sự nhầm lẫn giữa việc sáp nhập với chuyện phá sản rất dễ dẫn đến tình trạng ồ ạt rút vốn nếu công tác tuyên truyền không được làm trước, làm kỹ tới từng khách hàng. Đơn vị sáp nhập phải luôn khẳng định quyền lợi của khách hàng sẽ được giữ nguyên trong suốt quá trình sáp nhập.

 

TS Nguyễn Đức Hưởng nhận định, M&A trong lĩnh vực NH sẽ là một xu thế mới trong những năm tới ở nước ta. Trung Quốc và Singapore từng có hàng trăm NHTMCP, song đến nay, con số này chỉ còn rất ít. M&A trong lĩnh vực NH ở Việt Nam ngày càng rõ nét hơn cùng với các yêu cầu cao hơn của Ngân hàng Nhà nước về vốn điều lệ. Từ mức 500 tỷ đồng, số vốn điều lệ tối thiểu của các NHTMCP đã lên đến 3.000 tỷ đồng, nhiều NHTMCP nhỏ phải chật vật xoay xở để đáp ứng yêu cầu này. Đến một lúc nào đó, yêu cầu về vốn điều lệ có thể lên đến 5.000-10.000 tỷ đồng, vượt quá khả năng của các cổ đông, vì vậy, xu thế sáp nhập để phát triển nguồn lực cũng như có thêm kinh nghiệm sẽ là tất yếu. Mua bán và sáp nhập không phải là cái máy "in tiền", nhưng là giải pháp vàng cho những đơn vị muốn phát triển.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc một đơn vị sáp nhập với tổ chức khác không phải là tự xóa sổ, mà để đơn vị mình lớn thêm, mạnh hơn. Mua bán và sáp nhập được xem là giải pháp để giảm bớt số lượng NH nhỏ, chỉ để lại những NH đủ mạnh.

 

Vẫn biết để thực hiện việc mua bán hay sáp nhập NH không phải là chuyện đơn giản, song, đã đến lúc các NHTMCP nhỏ nên tính đến chuyện này để hệ thống NH, vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, phát triển bền vững.

 

Theo Đức Anh

Hà Nội Mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm