“Hôn ước” thời hội nhập
Trong đời thường, có không ít đám cưới chỉ vì danh tiếng; trong kinh doanh, có nhiều cuộc “hôn phối” nhằm khai thác thương hiệu lẫn nhau. Kiểu làm ăn mới này chứng minh một trong những xu thế của thời hậu WTO: Phải bắt tay để cạnh tranh và làm giàu.
Khai thác lẫn nhau
Dù đã có một công ty “con” là Tanitour chuyên về du lịch, nhưng mấy năm nay, Công ty Xuất nhập khẩu Tân Bình (Tanimex) hầu như bỏ trống mảng kinh doanh dịch vụ lữ hành. Đùng một cái, cuối tháng 11/2006, Tanimex tuyên bố liên kết với Công ty Dã ngoại Lửa Việt, thành lập công ty liên doanh.
Liên doanh mới Tanimex - Lửa Việt có vốn đầu tư 2 tỉ đồng, hoạt động trên những lĩnh vực mà cả hai đều có chức năng. Quái, Tanimex đã có công ty du lịch, còn Lửa Việt thì đang ăn nên làm ra, lập liên doanh làm gì nhỉ? Giới kinh doanh lữ hành ngỡ ngàng, còn lãnh đạo của Tanimex giải thích tỉnh rụi: Vì thương hiệu! Có Tanimex, Lửa Việt mạnh thêm. Còn Tanitour, thay vì nằm thêm một thời gian ngắn nữa để chờ... đăng “cáo phó”, có Lửa Việt hà hơi tiếp sức, phải tranh thủ ngay để hồi sinh.
Cuộc “hôn phối” Tanimex - Lửa Việt xuất phát từ ý đồ của đối tác này tận dụng lợi thế thương hiệu mạnh của đối tác kia. Còn với Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) lại là cuộc hôn phối khai thác sức quyến rũ của nhau.
Hồi đầu tháng 7/2005, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim hoàn ACB-SJC (gọi tắt là ACB-SJC) ra đời. Lãnh đạo hai công ty kỳ vọng rằng liên minh mới này sẽ tạo nên sức mạnh kép từ một thương hiệu lớn trong lĩnh vực ngân hàng và một thương hiệu biểu tượng vàng quốc gia.
Giới kinh thương đánh giá ACB-SJC chuyên về vàng và nữ trang thực sự là một cuộc hôn phối hoàn hảo vì gắn kết nhà sản xuất vàng với một nhà băng mạnh về cho vay mua bán vàng. Những thành công đáng kể trong thời gian qua của ACB-SJC đã chứng minh cho quyết định đúng đắn đó.
Đi trước một bước
Để đón làn gió hội nhập, Kinh Đô, một thương hiệu bánh kẹo quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, đã đi trước một bước. Doanh nghiệp này biết nhìn xa, bởi lẽ muốn gắn cái tên Kinh Đô vào trí nhớ người tiêu dùng nước ngoài, không cách nào nhanh và ít tốn kém hơn là bắt tay với những đối tác thuộc hàng “đại gia” toàn cầu.
Nghĩ là làm, tháng 7/2006, Kinh Đô chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Cadbury Schweppes, một tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới. Nội dung hợp tác của hai bên thực chất chẳng có gì to tát ngoài chuyện cùng phối hợp sản xuất những sản phẩm bánh kẹo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và nước ngoài. Nhưng đối với Kinh Đô, đó là nhịp chèo vững chãi của một thương hiệu Việt Nam, sánh bước cùng một thương hiệu toàn cầu để vượt trùng dương.
Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Kinh Đô, khẳng định rằng cách làm đó nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Kinh Đô: Vươn ra bốn biển, năm châu, định danh một thương hiệu Việt vững mạnh trên thế giới.
Còn đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), ngay từ khi khả năng Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) còn xa mờ, đơn vị này đã tính chuyện hậu WTO.
Đầu năm 2006, Agribank và Công ty Viễn thông Internet quốc tế - VTIC - đã ký hợp đồng phát triển thẻ thông minh. Nhiều người nói đây chính là một “hợp đồng hôn nhân” vì trong đó có điều khoản ràng buộc cùng hỗ trợ quảng bá tên tuổi “vợ” lẫn “chồng”!
VTIC muốn thông qua Agribank để phát triển thương hiệu ở thị trường người Việt, kể cả ở kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Trong khi đó, Agribank muốn mở rộng tầm “phủ sóng” thông qua hệ thống bán lẻ của VTIC trên khắp nước Mỹ và châu Âu, đặc biệt là nhắm vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo Minh Quang
Báo Người lao động