Hơn 46 triệu dân Mỹ phải sống nhờ trợ cấp lương thực
(Dân trí) - Theo số liệu mới nhất vừa được chính phủ Mỹ công bố, số người dân nước này đang phải sống nhờ trợ cấp lương thực của chính phủ tính tới hết tháng 6 đã lên tới con số kỷ lục 46,37 triệu người, tương đương 15% dân số.
Đáng buồn là theo nhận định của các nhà kinh tế, tình hình trên sẽ khó lòng được cải thiện một khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao như hiện nay. Theo số liệu mới nhất có đến 8,3% người Mỹ trong độ tuổi lao động không kiếm được việc làm. Hai số liệu nêu trên có liên quan mật thiết với nhau trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang phục hồi rất khó khăn sau đợt suy thoái 2009.
Rất nhiều người Mỹ phải trông chờ vào trợ cấp lương thực
“Dữ liệu về số người thất nghiệp không thực sự cho chúng ta thấy số lượng thật sự bao nhiêu người đang trong tình trang thiếu công ăn việc làm”, Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng của quỹ Rockwell Global Capital tại New York nhận định. Chính vì vậy, con số người hưởng trợ cấp lương thực chính là “một chỉ báo tốt cho thấy thu nhập của lực lượng lao động đã giảm sút ra sao và hiện ngày càng nhiều người đang xin được hưởng trợ cấp”.
Với 22,4 triệu hộ gia đình phải sống nhờ vào trợ cấp lương thực, tỷ lệ người phải trông cậy vào chương trình hỗ trợ này đã lên tới 15% dân số Mỹ. Tổng cộng, mỗi tháng chính phủ Mỹ phải chi 6,025 tỷ USD, chỉ thấp hơn một chút mức kỷ lục trước đây dù số tiền trợ cấp trung bình mỗi người dân được nhận đã giảm xuống chỉ còn chưa đầy 133 USD.
Có một điều lạ đó là mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh so với mức đỉnh 10% trong năm 2009, số người phải xin trợ cấp lương thực vẫn tăng mạnh. Ở thời điểm tháng 11/2008, chỉ có 31 triệu người phải trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ.
Ông Cardillo đồng thời dự báo số lượng việc làm được tạo mới trong tháng 8 sẽ chỉ ở mức 90.000, thấp xa mức kỳ vọng 125.000 của các nhà phân tích. Và do vậy tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì ở mức 8,3%.
Steven C. Wieting, nhà phân tích của Citigroup trong một phân tích gần đây nhận định vẫn có hơn 3 triệu người Mỹ không thể tìm được việc làm sau khủng hoảng tài chính dù những người này trước đó không làm việc trong những ngành liên quan đến bất động sản, vốn chịu thiệt hại nặng nhất.
Do vậy chuyên gia này cho rằng đà phục hồi của thị trường việc làm sẽ tiếp tục còn yếu ớt. “Nền kinh tế đang phát triển và có thể nó sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Nhưng vẫn có những bước thụt lùi xen lẫn các bước tiến…Phải rất lâu nữa chúng ta mới trở lại thị trường lao động bình thường”.
Một số dữ liệu khác cũng rất đáng chú ý do Dự án Luật việc làm quốc gia (NELP) của chính phủ Mỹ công bố hồi tuần trước đó là: 58% lao động được tuyển mới trong 2 năm qua được trả mức lương không quá 13,83 USD/giờ. Chỉ có 22% số người được tuyển mới nhận lương nằm trong khoảng 13,84 – 21,13 USD/giờ, mức được xem là trung bình. Trong khi đó đây chính là nhóm lao động đã mất 60% việc làm trong thời kỳ suy thoái.
“Số lượng việc làm tốt được tạo ra trong nền kinh tế hiện thấp hơn thời điểm đầu thế kỷ 21”, Annette Bernhardt, đồng giám đốc chính sách của NELP khẳng định. “Thực chất, cần phải nhận thức rõ rằng thị trường việc làm Mỹ đã gặp khó khăn từ trước khi xảy ra Đại Suy Thoái, hậu quả của 30 năm mất cân bằng về lương trong khi số lượng việc làm tốt giảm sút”.
Còn chuyên gia Wieting của CitiGroup thì cho rằng kinh tế Mỹ phải “mất 7 năm để trở lại được với tình hình việc làm trước suy thoái” và rằng nền kinh tế đang gần với nguy cơ giảm phát hơn là tăng trưởng bền vững.
Thanh Tùng
Theo CNBC