Hơn 300 tỷ đồng sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin phê duyệt đầu tư xây dựng Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long (Hà Nội). Theo đó, sẽ cần tới hơn 313 tỷ đồng để cầu Thăng Long có “chiếc áo mới” hoàn toàn.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 
Nếu được Bộ GTVT phê duyệt, Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long sẽ thực hiện trong năm 2014 này và kết thúc vào năm 2016. Đây được xem là đợt sửa chữa có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với những ứng dụng công nghệ mới của Mỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) cho biết, công trình thuộc dự án nhóm C - công trình ứng dụng công nghệ mới. Mục tiêu đầu tư xây dựng là sửa chữa lớp phủ mặt cầu Thăng Long ở phạm vi tầng 2 trên các giàn nhịp thép. Theo đó, sẽ bóc bỏ toàn bộ phần bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ, thay thế bằng lớp vật liệu mới có chiều dày tương đương và phải đảm bảo yêu cầu là chịu tác dụng của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên.


Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng

Mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng nặng

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn chính liên quan đến thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu đường, các yêu cầu vật liệu, phương pháp thí nghiệm trong Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long được áp dụng của Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản.

Việc tổ chức thi công Dự án và đảm bảo an toàn giao thông được chia làm 2 giai đoạn là thi công thử nghiệm và thi công đại trà. Trong đó, giai đoạn thi công thử nghiệm kéo dài trong khoảng 6 tháng nhằm mục đích quan sát sự hoạt động của lớp phủ mặt cầu dưới điều kiện tải trọng giao thông thực tế; lựa chọn loại thiết kế hỗn hợp nhựa tốt nhất sử dụng cho công tác sửa chữa khi dùng các vật liệu địa phương trong điều kiện khí hậu ở Hà Nội; xác nhận loại hỗn hợp nhựa lựa chọn và từng phương pháp thi công liên quan tới độ đàn hồi, độ dính bám, khả năng phòng nước và kháng lún; Kiểm định máy móc, xác định nhân công, vật liệu, đơn giá…

Giai đoạn thi công đại trà sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện khi thi công xong cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh để tổ chức phân luồng giao thông, điều tiết giao thông qua 2 cầy cầu này. Kết hợp sử dụng phần xe thô sơ ở tầng 1 của cầu Thăng Long và lắp đặt thêm cầu phao. Sẽ đóng toàn bộ tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ việc thi công sửa chữa mặt cầu và giám sát chặt chẽ chất lượng trong quá trình thi công. Khi đó, mặt cầu sẽ được rải lớp phủ theo từng lô (10 lô). Dự kiến thời gian thi công trên công trường sẽ được rút ngắn từ 3,5 đến 4 tháng, thời gian giải thể dự kiến từ 0,5 đến 1 tháng.

Sẽ cần tới hơn 313 tỷ đồng để sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long

Sẽ cần tới hơn 313 tỷ đồng để sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long

Tổng mức đầu tư của Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long được TCĐBVN trình Bộ GTVT phê duyệt là 313 tỷ đồng, từ vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Cơ quan quản lý dự án là Ban quản lý dự án 6 (thuộc TCĐBVN), Tư vấn lập dự án là Katahira & Engineers International. Thời gian thực hiện dự án là từ 2014 - 2016.

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng nằm trên tuyến đường vành đai 3, đây là tuyến đường quan trọng nhất nối Thủ đô Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài. Cầu Thăng Long bắt đầu được đưa vào sử dụng từ ngày 19/5/1985.

Năm 2009, TCĐBVN đã sửa chữa mặt cầu bằng nhựa polymer SMA và thay thế 6 khe co giãn của mặt cầu với tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi đưa mặt cầu mới sửa chữa vào sử dụng đã xuất hiện các vết nứt vỡ và hư hỏng cục bộ. Từ đó đến nay, mặt cầu thường xuyên được sửa, trám vá nhưng không chấm dứt triệt để tình trạng nứt vỡ mặt cầu, vì thế việc sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long được cho là cấp thiết.

Mặc dù tiêu tốn số tiền ngót ngét gần trăm tỷ đồng và sau sửa chữa mặt cầu Thăng Long vẫn bị hư hỏng, nhưng Bộ GTVT nhận định tình trạng trên là rủi ro khi thực hiện công nghệ mới nên đến nay không có cá nhân, tổ chức nào bị kỷ luật.

Châu Như Quỳnh
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước