Hơn 2.000 ha quýt, cam ở Đồng Tháp bị chết mòn

(Dân trí) - Theo Phòng NN –PTNT huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tính đến nay trên địa bàn huyện đã có hơn 2.000ha quýt, cam bị chết. Riêng cây quýt hồng là loại trái cây đặc sản của huyện, mạng lại giá trị kinh tế cao cho người dân nhưng đã có 337ha/839ha bị chết.

Theo báo cáo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết, toàn huyện có hơn 5.700ha đất nông nghiệp trồng cây có múi. Tuy nhiên, một hai năm gần đây, các vườn quýt, cam có hiện tượng chết xanh, vàng, tính đến nay toàn huyện đã có hơn 2.000ha cam, quýt bị chết.

Trong đó, đáng lo ngại nhất là cây quýt hồng, vì đây là đặc sản của huyện Lai Vung, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, bình quân 1ha quýt hồng có thể thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay đã có 337ha/839ha quýt hồng bị chết vàng, xanh, trong đó, hơn 163ha bị thiệt hại 20%, hơn 74ha thiệt hại từ 20-40%, hơn 58ha thiệt hại từ 50-70%, hơn 40ha thiệt hại từ 80-100%.


Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung có trên 2.000ha cây có múi bị chết, trong đó cây đặc sản quýt hồng có diện tích chết khá lớn

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung có trên 2.000ha cây có múi bị chết, trong đó cây đặc sản quýt hồng có diện tích chết khá lớn

Ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX Quýt hồng Lai Vung, cho biết: “Không hiểu vì đâu mà quýt hồng bị dịch bệnh và chết liên tục, dù nông dân chữa trị bằng nhiều cách vẫn không khỏi. Nếu tình hình này kéo dài, đặc sản quýt hồng Lai Vung sẽ không còn nữa”.

Trước tình hình trên, ngành chức năng huyện Lai Vung đã nhờ các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ (thuộc khoa Nông nghiệp), Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam giúp sức, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh trên cây có múi, đặc biệt là cây quýt hồng.


Cây quýt hồng lâu nay được xem là loại trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp, hàng năm đêm lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân trồng quýt

Cây quýt hồng lâu nay được xem là loại trái cây đặc sản của tỉnh Đồng Tháp, hàng năm đêm lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân trồng quýt

Bước đầu, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính là bộ rễ cây quýt hồng bị hư bởi các tác nhân vi sinh vật (nguyên nhân trực tiếp) và kỹ thuật canh tác (nguyên nhân gián tiếp) dẫn đến nước, các chất dinh dưỡng trong đất không vận chuyển được lên cây đầy đủ, kịp thời làm cây sinh trưởng kém, còi cọc và chết dần.

Theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt là rửa phèn cho lớp đất mặt trong vườn bằng cách bón vôi, hạn chế sử dụng phân vô cơ, nhất là phân đạm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ. Ngoài ra, không khuyến khích nông dân lấy lớp đất mặt bờ ruộng đắp lên các gốc cây quýt…

Hiện nay, bà con trồng quýt ở huyện Lai Vung đang sốt ruột cần các chuyên gia, nhà khoa học bắt đúng bệnh và có hướng dẫn kỹ thuật hẳn hoi để giảm tỷ lệ chết cây. Còn về giải pháp lâu dài, người dân mong chính quyền giới thiệu đơn vị cung cấp cây giống sạch bệnh, quản lí được phân bón kém chất lượng…

Nhiều năm qua, với lợi thế cây quýt hồng có vỏ bóng màu vàng cam đẹp nên ngoài việc người dân huyện Lai Vung bán quýt dịp tết, bà con mở thêm dịch vụ cho tham quan du lịch vườn quýt hồng rất được du khách khắp nơi đổ về thưởng ngoạn, từ đó tăng thêm nguồn thu đáng kể.

Được biết, toàn huyện Lai Vung hiện có hơn 5.700 ha trồng cây có múi, trong đó, quýt hồng chiếm 839 ha, quýt đường hơn 2.700ha, cam soàn hơn 2.200ha.

Nguyễn Hành