Hơn 200 nhân viên ACB mất việc sau 3 tháng

(Dân trí) - Sau đợt tăng mạnh nhân sự trong năm 2012, trong 3 tháng đầu năm nay, ACB đã cắt giảm đáng kể lao động giữa lúc lợi nhuận sụt giảm hơn 60% so cùng kỳ, tiền và tương đương tiền hao hụt gần 1.300 tỷ, nợ xấu tăng mạnh.

Hơn 200 nhân viên ACB mất việc sau 3 tháng

Mảng kinh doanh vàng và ngoại hối của ACB đảo sang trạng thái lỗ 84 tỷ đồng từ mức lỗ 67 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lãi giảm hơn 60% so cùng kỳ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho thấy, sau đợt tăng mạnh nhân lực trong năm 2012, trong 3 tháng vừa qua, ACB đã thực hiện cắt giảm đáng kể số lao động trong ngân hàng.

Theo đó, số lượng nhân viên của ACB trong quý I vừa rồi đã giảm 222 người so với thời điểm 31/12/2012 xuống còn 10.053 người tại ngày 31/3/2013. (Trong năm 2012, ACB đã tăng số lượng nhân viên thêm 1.662 người so với cuối năm 2011).

Cùng với đó, Báo cáo kết quả kinh doanh cũng phản ánh lợi nhuận đi xuống rõ rệt của ngân hàng trong thời gian đầu năm.

Trong khi thu nhập lãi thuần giảm 23%, thu nhập từ hoạt động dịch vụ giảm nhẹ gần 2,3 tỷ đồng thì phần kinh doanh vàng và ngoại hối lật ngược kết quả từ mức lãi hơn 67 tỷ đồng quý I năm ngoái sang mức lỗ 84 tỷ đồng trong quý I vừa qua.

Mua bán chứng khoán đầu tư tăng lãi gấp 3,5 lần nhưng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lại bị giảm lãi tới 82,4%. Lãi thuần từ hoạt động khác ghi nhận âm 2,75 tỷ đồng. Qua đó, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro giảm hơn phân nửa xuống còn gần 600 tỷ đồng.

Kỳ vừa rồi, ngân hàng đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 202 tỷ đồng từ mức 119,5 tỷ đồng cùng kỳ quý I/2012.

Do vậy, tổng lợi nhuận trước thuế giảm mạnh, “hụt” 64,2% so cùng kỳ, còn 394,9 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ thuế, lãi cuối cùng của ACB chỉ còn 307 tỷ đồng, bằng 37% cùng kỳ.

Nợ nguy cơ mất vốn tăng mạnh, tiền hao hụt gần 1.300 tỷ 

Theo giải trình của ACB, lợi nhuận sau thuế quý I năm nay sở dĩ giảm 530,2 tỷ đồng so với cùng kỳ là do số dư nợ xấu tăng, khiến thu nhập lãi thuần giảm mạnh và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng cao.

Cụ thể, tuy tín dụng khách hàng tăng đáng kể 4,4% đạt 107.139,67 tỷ đồng so với cuối năm 2012 song đồng thời với điều này nợ xấu cũng gia tăng theo. Quy mô nợ xấu tăng 519,2 tỷ đồng lên 3.090,2 tỷ đồng sau 3 tháng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng tăng lên 2,88% so mức 2,5% hồi đầu năm. 

Điều đáng lo ngại cho ACB đó là trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng mạnh nhất, mức tăng lên tới 29,27% so với thời điểm cuối năm 2012, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 31,65% trong khi nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) giảm nhẹ 4%.

Ngoài ra, trên Báo cáo tài chính, tổng tài sản của ACB trong 3 tháng vừa qua cũng cho thấy sự sụt giảm nhẹ 397,6 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục tiền mặt, vàng bạc, đá quý giảm mạnh 18% tương ứng “hao hụt” gần 1.290 tỷ đồng.

Đến 31/3, ACB còn khoản tiền gửi có kỳ hạn bằng VND tại các tổ chức tín dụng khác là 11.742,9 tỷ đồng, giảm 3.423 tỷ đồng so với hồi đầu năm. 

Trong số này bao gồm số dư tiền gửi liên ngân hàng 718,9 tỷ đồng đã quá hạn liên quan đến một ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh và số dư này đang được cơ quan chức năng bên ngoài điều tra. Theo ACB, khả năng thu hồi các khoản này sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tòa án.

Mai Chi