Hơn 18 tỷ USD đổ vào Việt Nam, ngành nào hút vốn mạnh nhất?
(Dân trí) - 7 tháng qua, hơn 18 tỷ USD tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (tăng 10,9% so cùng kỳ) và 12,55 tỷ USD được giải ngân, là số vốn FDI thực hiện cao nhất 5 năm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7 đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn cho công nghiệp, chế biến chế tạo khởi sắc
Về vốn đăng ký cấp mới, 1.816 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 7,88 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn đăng ký cấp mới. Hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút 1,94 tỷ USD, chiếm 18%. Các ngành còn lại đạt 939,7 triệu USD, chiếm 8,8%.
Trong số 62 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng qua, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,55 tỷ USD, chiếm 42,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Tiếp đến là đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 1,31 tỷ USD, chiếm 12,1%; Trung Quốc 1,22 tỷ USD, chiếm 11,3%; Nhật Bản 991,5 triệu USD, chiếm 9,2%; Thổ Nhĩ Kỳ 731,3 triệu USD, chiếm 6,8%; Đài Loan 588,4 triệu USD, chiếm 5,5%.
Về vốn đăng ký điều chỉnh, 734 lượt dự án đã được cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,97 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 12,23 tỷ USD, chiếm 77,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 2,11 tỷ USD, chiếm 13,4%. Các ngành còn lại đạt 1,39 tỷ USD, chiếm 8,8%.
Cũng trong 7 tháng qua, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1.795 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,27 tỷ USD, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 689 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,03 tỷ USD; 1.106 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,24 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 759,6 triệu USD, chiếm 33,5% giá trị góp vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 422,5 triệu USD, chiếm 18,6%; các ngành còn lại 1,09 tỷ USD, chiếm 47,9%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo, giải ngân FDI đạt 9,98 tỷ USD, chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,14 tỷ USD, chiếm 9,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 481,1 triệu USD, chiếm 3,8%.
Vốn đầu tư ra nước ngoài ra sao?
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng có 64 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 122 triệu USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời có 15 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 28,6 triệu USD, giảm 83,3%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khai khoáng đạt 58,6 triệu USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 28,9 triệu USD, chiếm 19,2%...
Có 23 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam từ đầu năm. Trong đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 36,2% tổng vốn đầu tư; Lào 36,7 triệu USD, chiếm 24,3%; Mỹ 18,7 triệu USD, chiếm 12,4%; Campuchia 12,4 triệu USD, chiếm 8,2%; New Zealand 5,9 triệu USD, chiếm 3,9%.