Hơn 100.000 USD cho một bài học kinh doanh

Một doanh nhân ở Hải Phòng đã chủ động lên tiếng công bố bài học đắt giá của mình cho báo giới. Đây cũng có thể coi là chuyện hy hữu chưa từng thấy trên các diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, khi mà đa số các doanh nhân chỉ muốn trưng bày những kinh nghiệm thành công và sự hào nhoáng.

Kinh nghiệm thương trường, nếu được coi là một mặt hàng thì đây sẽ là mặt hàng đa dạng nhất về chủng loại và phong phú nhất về giá cả. Có những bài học chẳng tốn một xu, nhưng có những bài học được mua với giá hàng chục, hàng trăm ngàn USD.

Ngành nghề chính của công ty TNHH Dũng Hải là kinh doanh các mặt hàng sắt thép và các sản phẩm tiền chế. Ông Đặng Minh Hải, giám đốc công ty cho biết, tổng giá trị hợp đồng giao dịch của công ty này không dưới 20 triệu USD/năm.

Số lượng hợp đồng giao dịch ngoại thương thường chiếm một tỷ trọng lớn vì đa số các sản phẩm đầu vào của doanh nghiệp là thép tấm, thép lá, tôn lá...đến nay đều phải nhập khẩu.

10 năm hoạt động trên thương trường trong nước và quốc tế, những bài học kinh nghiệm đã nhiều, nhưng mới đây nhất, công ty Dũng Hải đã phải mua thêm một bài học mới với mức giá khoảng 110.000 USD.

Mọi chuyện bắt đầu từ hợp đồng nhập khẩu 700 tấn thép lá cán nóng của một đối tác nước ngoài là công ty TNHH Stemcor, trụ sở tại Singapore và văn phòng đại diện tại Hà Nội.

Giám đốc Hải tự nhận rằng, công ty của ông đã quá tin vào đơn chào hàng hấp dẫn, và đặc biệt là những lời đường mật của nhân viên bán hàng người Việt làm việc cho đối tác nước ngoài.

Chính vì vậy, Hợp đồng thương mại nhanh chóng được ký kết với những điều khoản do chính bên bán thảo ra. Bên mua, là công ty Dũng Hải chỉ thực sự ngã ngửa khi hàng về tới cảng. Thép lá cán nóng loại 2 mà đối tác chào hàng đa phần là thép phế, mức độ thua thiệt ít nhất là 110.000 USD.

Khi hàng hoá không đúng như đơn chào hàng, xảy ra tranh chấp thì căn cứ để giải quyết là các điều khoản của hợp đồng thương mại, chỉ đó điều, trong bản hợp đồng này không có điều khoản nào có lợi cho công ty Dũng Hải.

Thời hạn đàm phán giữa hai bên đã kết thúc hôm 21/7 vừa qua, và bản thân công ty Dũng Hải đã cầm chắc khoản thua thiệt là 110.000 USD.

110.000 USD, khoản tiền thừa đủ để chi phí cho 5 người theo học một khoá đạo tạo kinh doanh ở bất kỳ một trường đại học danh tiếng nào trên thế giới. Nhưng đối với công ty Dũng Hải, chỉ mua được một bài học đơn giản về chuyện thương thảo hợp đồng thương mại quốc tế.

Thế mới biết, uy tín và đạo đức kinh doanh trên thương trường quốc tế chỉ trở thành sự thực khi những điều khoản của hợp đồng thương mại đủ chặt chẽ, khiến cho bên này hay bên kia, không còn lựa chọn nào khác.

Theo VTV