Hơn 1/3 cà phê trên thị trường hàm lượng cafeine rất thấp: Người dùng cần… thông minh!
(Dân trí) - Uống café để tìm sự hưng phấn, tỉnh táo nhưng lại rước mầm mống ung thư vào mình khi gặp phải “hàng dỏm”. Thách thức mà những tín đồ café ở Việt Nam, một đất nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu café, chỉ sau Brazil, phải đương đầu là không nhỏ. Lời giải nào cho nghịch lý này?
Tự mình hại mình
Khi Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát có hơn 1/3 sản phẩm café trên thị trường hiện nay có hàm lượng cafeine rất thấp, thậm chí là bằng 0, người dùng ít nhiều bất ngờ nhưng với rất nhiều cơ quan chức năng, đây đã là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Theo ông Đinh Văn Mạnh, Đội phó đội 3, phòng 7, Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49B), Bộ Công an, từ nhiều năm nay, hàng loạt các cuộc kiểm tra những cơ sở sản xuất café bẩn trên cả nước đã cho thấy một công thức sản xuất phổ biến: Nguyên liệu (bắp, đậu nành, thậm chí có thêm vỏ café) + hương liệu (đa số là hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, hóa chất công nghiệp, không được phép sử dụng) = café bột “made in Viet Nam”. Dưới bàn tay phù thủy của hóa chất, những ly café thơm ngon, đúng gu người dùng, đã được sản xuất ra mà không cần quá nhiều nguyên liệu chính là café hạt.
“Thị trường tràn ngập thứ không chỉ là café bẩn, sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh mà còn là café giả, dùng hương liệu, hóa chất giả tạo café”, ông Mạnh tâm tư. Tác hại của những hóa chất này, với mật độ dùng thường xuyên, tần xuất trung bình 1 ly/người/ngày như hiện nay là điều rất đáng ngại.
Tuy nhiên, “nghiêm trọng và cấp bách hơn cả không phải là tác hại của hóa chất mà là khả năng gây ung thư từ các loại nấm mốc thường có trong café giá rẻ đang tràn lan trên thị trường”, PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cảnh báo.
Ông Thịnh khẳng định, giá thành café hiện nay trung bình phải là 160.000 đồng/kg. Với mức giá thấp hơn, người dùng chỉ có thể mua café độn. Theo vị PGS, TS này, hàm lượng Ochratoxim A có trong café mốc và Aflatoxin, có trong bắp, đậu nành mốc, trộn vào café, hiện nay rất đáng ngại vì cả hai đều gây ung thư nhưng người dùng thì không cách gì kiểm chứng được. Quá trình rang xay không thể tiêu diệt hai loại độc tố nấm mốc này.
Để giảm giá thành café bột, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mua bắp, đậu nành rẻ tiền, mốc hỏng đưa vào. Cộng với nguồn café kém chất lượng, bảo quản không đúng cách, những gói café bột chứa mầm họa ung thư ra đời.
Như vậy, sử dụng café bột rẻ tiền hiện nay không khác gì rước họa vào thân. “Chưa kể, khác với nhiều quốc gia chỉ rang café ở độ vàng vừa phải, khẩu vị café người Việt là thích vị đắng, tránh vị chua nên việc rang café, bắp, đậu nành… đều phải đạt đến mức cháy đen. Đưa lượng than thực phẩm này vào người chắc chắn là gây gại cho sức khỏe. Cái này là vạ từ chính miệng chúng ta mà ra”, ông Thịnh nói.
Người dùng cần minh bạch thông tin
Có mặt tại Tọa đàm Café bẩn – thực trạng và giải pháp diễn ra ngày 20/7, tại TPHCM, hầu hết, các doanh nghiệp sản xuất café như Vinacafe, Nestlé, Mê Trang, Lê Phan… đều thừa nhận, ngoài café nguyên chất 100% café, các hãng đều phải có nhiều dòng sản phẩm pha trộn khác nhau, tùy thuộc vào thị hiếu người dùng.
“Để sản xuất những dòng café giá rẻ thì chắc chắn phải trộn thêm các loại ngũ cốc và hương liệu”, đại diện công ty TNHH Café Lê Phan tiết lộ. Tuy nhiên, theo vị này, khẩu vị của người dùng khá đa dạng, lựa chọn công thức thế nào để đáp ứng nhu cầu người dùng là chuyện doanh nghiệp phải làm. “Chúng tôi cũng đang mong có được những thông số cụ thể về quy chuẩn cho sản phẩm café để từ đó tuân thủ. Còn vấn đề công thức, tự người dùng sẽ phải hiểu để có thể tự chọn sản phẩm tốt cho mình”, đại diện Lê Phan chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết, tuy đã có những quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong cafe như hàm lượng kim loại, ô nhiễm vi nấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm và phụ gia thực phẩm… nhưng hiện café vẫn là nhóm sản phẩm chưa có quy chuẩn sản phẩm quốc gia.
Ba năm qua, Bộ cũng đã tiến hành xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực này nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc. “Hiện trong khu vực cũng mới chỉ có Thái Lan là có quy chuẩn này, chúng tôi vẫn đang tích cực khảo sát để cho ra đời bộ quy chuẩn chung”, ông Quang chia sẻ.
Cũng theo ông Quang, trong thời gian chờ đợi bộ quy chuẩn này, trước mắt, doanh nghiệp vẫn cần thiết tuân thủ sản xuất đúng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và sòng phẳng thông tin với người dùng, cung cấp rõ thông tin thành phần có trong sản phẩm.
“Vướng mắc lớn nhất hiện nay là chế tài xử phạt vẫn chưa cao. Mức phạt cũng căn cứ vào giá trị lô hàng nên chế tài rất nhỏ, chưa đủ sức răn đe nên doanh nghiệp cứ thế mà vi phạm”, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định.
Trong khi chờ đợi những động thái của cơ quan hữu quan, điểm cuối cùng thì trái bóng vẫn được đá về phía người dùng: Làm thế nào để có quyết định thông minh trong chọn lựa.
Phương Quyên